• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Tăng cường việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị của di sản Tràng An

28/03/2018 07:53

(Cinet) - Sau vụ việc đáng tiếc diễn ra tại di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, UBND tỉnh Ninh Bình, cụ thể là Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường công tác gìn giữ, bảo vệ các giá trị của di sản Tràng An nói riêng, giá trị các di sản, danh thắng tại Ninh Bình nói chung.

(Cinet) - Sau vụ việc đáng tiếc diễn ra tại di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, UBND tỉnh Ninh Bình, cụ thể là Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường công tác gìn giữ, bảo vệ các giá trị của di sản Tràng An nói riêng, giá trị các di sản, danh thắng tại Ninh Bình nói chung.



Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Phóng viên Cinet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.



- Sau vụ việc diễn ra tại di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, xin ông (bà) cho biết hướng xử lý vụ việc?

Công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ (Nguồn: Dân trí)

Trước hết, nói về công tác quản lý trật tự xây dựng trong phạm vi Di sản, ngay từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó giao nhiệm vụ cụ thể về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản cho các sở, ngành, UBND các địa phương trong phạm vi Di sản. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây xảy ra một vụ việc vi phạm đáng tiếc của Ông Nguyễn Văn Son, xây dựng trái phép công trình bậc cầu thang lên đỉnh núi trong vùng di sản.



Xác định, vụ việc vi phạm của ông Nguyễn Văn Son tại núi Cái Hạ là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới uy tín, danh hiệu di sản thế giới Tràng An, đặc biệt là niềm tin của UNESCO đối với công tác quản lý, bảo vệ di sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.



Ngày 6/3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có công điện chỉ đạo việc tập trung sử lý sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An, đồng thời thành lập đoàn thanh tra liên ngành, do đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Sở Du lịch đã có công văn số 97/CV-SDL về việc chấm dứt hoạt động du lịch tại điểm du lịch “Tràng An cổ” do Công ty Cổ phần du lịch Tràng An làm chủ đầu tư.



Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh, hiện Đoàn thanh tra liên ngành cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vụ việc vi phạm của Công ty Cổ phần du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Trong sáng ngày 24/3, UBND huyện Hoa Lư đã phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình thực hiện việc cắm biển báo cho du khách biết khu vực núi Cái Hạ là điểm kinh doanh trái phép, đề nghị du khách không tham quan.



Ngày 26/3, đại diện UBND huyện Hoa Lư cho biết, đang lên phương án trình UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An.
 



Xin ông cho biết các biện pháp để tăng cường việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị của di sản Tràng An nói riêng, giá trị các di sản, danh thắng tại Ninh Bình nói chung nhưng vẫn đáp ứng được các hoạt động du lịch?



Tỉnh Ninh Bình xác định Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên vừa là vinh dự, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm to lớn của chính quyền và nhân dân Ninh Bình, nên ngay từ khi Tràng An được ghi danh vào danh mục di sản thế giới đã luôn quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ Di sản. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch quản lý, bảo vệ di sản theo quy định của UNESCO và Luật di sản văn hóa, cụ thể như: Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 09/3/2017 thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016. Đây chính là những cơ sở quan trọng chỉ đạo, đính hướng công tác giữ gìn, bảo vệ các giá trị của di sản theo quy định của UNESCO, đồng thời đưa ra các giải pháp đảm bảo cho việc phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO trong thời gian ngắn.

Bến Thuyền Tràng An Ninh Bình. Nguồn: ninhbinhtravel.net

Nhìn chung, Kế hoạch quản lý di sản cùng với quy định/quy chế quản lý bảo vệ di sản bước đầu đã giúp cho công tác quản lý di sản Tràng An trong thời gian vừa qua tương đối tốt, đặc biệt được sự đồng tình, ủng hộ và chấp hành rất tốt của các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động du lịch trong khu di sản, tạo nên sự hợp tác chặt chẽ giữa BQL với doanh nghiệp, người dân trong quản lý, bảo vệ di sản. Trong vùng di sản có rất nhiều dân cư sinh sống, phần lớn người dân đều chấp hành, tuân thủ tốt các quy định/quy chế về quản lý, bảo vệ di sản, tuy nhiên vẫn còn một số hộ gia đình, người dân vì lợi ích kinh tế, đã cố tình vi phạm các quy định về xây dựng, hoạt động du lịch.



Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững, với trách nhiệm trực tiếp quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và các hoạt động du lịch của tỉnh, Sở Du lịch tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai một loạt các biện pháp tăng cường bảo vệ, giữ gìn các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, du lịch dựa vào cộng đồng, đảm bảo các yêu cầu về phát triển bền vững:



Một là, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016, Kế hoạch quản lý di sản và các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ di sản. Tham mưu cho tỉnh khai thực hiện dự án cắm mốc giới bảo vệ vùng lõi và vùng đệm và bàn giao mốc giới di sản theo địa giới hành chính cho các xã, phường, huyện thành phố để quản lý, bảo vệ theo thẩm quyền.



Hai là, về cơ chế, chính sách: Tăng cường kiểm tra, rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ di sản, kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế tại địa phương; chú trọng xây dựng các văn bản pháp luật để đảm bảo bảo vệ di sản ở mức cao nhất, đặc biệt là quản lý, bảo vệ các di tích khảo cổ, công trình văn hóa và quản lý, phát triển các hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trong vùng di sản một cách bền vững, có trách nhiệm. Ngăn ngừa tác động tới môi trường và tình trạng quá tải khách du lịch tại điểm du lịch trong khu di sản. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Trước mắt là chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật các quy định về bảo vệ và quản lý di sản thế giới tại Nghị định 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/9/2017 để trình UBND tỉnh ban hành Quy chế bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Quan Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các điều, khoản của của Quy chế này chính là bộ công cụ hữu hiệu, tạo lập hành lang pháp lý quản lý di sản một cách chặt chẽ, bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sinh kế người dân.



Ba là, Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các các cấp, các ngành và của người dân về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích mà di sản mang lại, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tuyên truyền, xây dựng các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thưc của người dân để từ đó có những hành động đúng đắn bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.



Bốn là, về đầu tư nguồn lực: đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về khảo cổ học, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa phi vật thể. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tranh thủ các nguồn lực nước ngoài cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, các chuyên gia trường đại học Cambridge, Queens Belfast Vương Quốc Anh triển khai dự án nghiên cứu khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An để làm rõ thêm các giá trị về văn hóa và địa chất của di sản.



Năm là, huy động xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ và khai thác các giá trị của di sản thế giới Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung, xây dựng, hoàn thiện mô hình quản lý, hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. 



Sáu là, về phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý di sản, thực hiện công tác chuẩn hóa cán bộ theo tiêu chuẩn, chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý di sản, chú trọng đến cán bộ cấp xã, phường.



Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thực hiện Gia Linh
 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ