• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng tốc truy vết 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng trong tháng 7/2020

Thời sự 02/08/2020 15:58

(Tổ Quốc) - Đó là yêu cầu của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với Lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, 2 bệnh viện là: BV Đà Nẵng; Bệnh viện C.

Khẩn trương truy vết

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây.

Tăng tốc truy vết 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng trong tháng 7/2020 - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Để ứng phó một cách nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã “tung” một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng gửi một loạt công điện, chỉ đạo gửi các địa phương làm sao tăng tốc truy vết tất cả những người đã đi đến Đà Nẵng.

Đồng thời, xét nghiệm, giám sát chặt chẽ những người đến những điểm Bộ Y tế đã khuyến cáo. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thưc hiện khá nghiêm túc và khẩn trương.

“Vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy. Các địa phương cũng phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa.” – Quyền Bộ trưởng nói.

Thông tin về việc sẽ mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT, ông Long cho biết “Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó”.

Về kit test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này.

Không để tình trạng người dân chờ 3 - 4 ngày mới được xét nghiệm

Theo đại diện đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện còn 8 bệnh nhân đang điều trị, trong đó chỉ có bệnh nhân số 510 có biểu hiện mệt, có đờm.

Chiều 1/8, 90 trên 162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi đã có kết quả âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả các đơn vị trên địa bàn trong một ngày là 8.000-9.000 mẫu.

Quyền bộ trưởng đề nghị, TP Hồ Chí Minh lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này.

Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Paster TP Hồ Chí Minh để khẳng định.

"Thành phố không được để tình trạng tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3 - 4 ngày" - ông Long yêu cầu.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, đây là chiến lược cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Các ca bệnh hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện, nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ