• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm: Chiến lược không đổi, nhưng linh hoạt chiến thuật

Kinh tế 31/07/2021 08:00

(Tổ Quốc) - Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 nhắm vào các trung tâm kinh tế lớn của cả nước khiến một số kế hoạch chiến lược phải điều chỉnh. Dù vậy, trước nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% mà Quốc hội giao hoàn toàn có cơ sở đạt được.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 nhắm vào các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương… và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Dù vậy, trong bối cảnh đó tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn đạt 5,64%. Đây là một con số hết sức khả quan bởi cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020. Kết quả này cũng cho thấy những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả mục tiêu kép.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm: Chiến lược không đổi, nhưng linh hoạt chiến thuật - Ảnh 1.

Về kết quả này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên từng chia sẻ,  xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ thời gian qua là kiên định lập trường "mục tiêu kép", nhưng linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn, lắng nghe các ý kiến nhiều chiều để có các quyết sách mạnh mẽ  và đúng đắn.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, vận tải đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, trong khó khăn, nền kinh tế cũng xuất hiện những yếu tố tích cực, ví như lĩnh vực nông nghiệp…

Làn sóng dịch thứ 4 này không giống như năm 2020 mà tốc độ lây lan rất nhanh do biến thể Delta nguy hiểm và diễn biến phức tạp hơn. Trong tình huống mới, Chính phủ vẫn kiên định "mục tiêu kép" nhưng phương cách phòng chống dịch đã có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, đó là Chính phủ đã điều chỉnh, chuyển sang chiến lược ưu tiên nhiều hơn cho vaccine chứ không chỉ tập trung truy vết hay phong tỏa... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện khẩn trương, cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trước sự mong đợi của người dân hiện nay, yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương thực hiện các chỉ đạo để có vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất. Chính vì thế, mọi nguồn lực thời điểm này nhanh chóng tập trung vào vaccine với hy vọng sẽ tiêm đủ cho khoảng 70% dân số Việt Nam nhằm đạt đến miễn dịch cộng đồng.

Về hiệu quả của vaccine, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với nguy cơ dịch bệnh hiện nay, cần xem vaccine chính là cơ hội hiệu quả để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn về năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế. Vì thế, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư. Việc sớm mở cửa nền kinh tế, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường sẽ là điều kiện tiên quyết để kinh tế Việt Nam có thể bứt phá trong giai đoạn tới.

Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chưa thay đổi mục tiêu phát triển đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6%. Trong đó, quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch cơ bản được khống chế trong tháng 6, không có  ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo NQ 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản này, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%. 

Về cơ bản, các chuyên gia đều đồng tình với các kịch bản này. Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Chính phủ chưa cần trình Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 khoảng 6% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của Quốc hội, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 6,3%. Với mục tiêu này, nếu tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ thì hoàn toàn có cơ sở thực hiện.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, trở lại bối cảnh của quý II năm 2020 là lúc Việt Nam đang bị tấn công bởi làn sóng Covid-19 với thời kỳ đất nước thực hiện giãn cách toàn xã hội nên tăng trưởng rất thấp, 6 tháng đầu 2020 chỉ tăng trưởng 1,8%. Chính vì vậy, mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021 là một mức tăng trưởng khá. Ngoài đo lường bằng tăng trưởng GDP, đi vào các chỉ tiêu thành phần sẽ thấy được toàn diện "sức khỏe" của nền kinh tế. Ví như chỉ số lạm phát cũng làm cho nhiều nhà phân tích bất ngờ và ngạc nhiên. Trong khi những nền kinh tế hàng đầu đang phải "đau đầu" giải bài toán lạm phát. Ví dụ như FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đang phải tính đến chuyện dừng mua trái phiếu Chính phủ, điều chỉnh tăng lãi suất vì hiện nay lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong rất nhiều năm. 

Đối với Việt Nam, chỉ số lạm phát đang là 1,47% của 6 tháng – thấp nhất trong 5-6 năm gần đây. Có thể 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ tăng lên nhưng vẫn ở trong tầm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm: Chiến lược không đổi, nhưng linh hoạt chiến thuật - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ, đã tuyên bố rằng Chính phủ vẫn giữ những nghị trình ưu tiên của mục tiêu kép nhưng linh hoạt các ưu tiên theo không gian - các địa phương, và thời gian - tức là thời điểm thích hợp. Ông nhấn mạnh: Chúng ta ưu tiên mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng, nhưng tùy theo tình hình, vào thời điểm này tỉnh, thành này ưu tiên số 1 là chống dịch, và tỉnh thành khác - những nơi chưa có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao - thì ưu tiên cho sản xuất. Không nhất thiết mục tiêu kép phải thực hiện cùng lúc trong khi tình hình dịch bệnh thay đổi phức tạp khó lường. Chiến lược không thay đổi, nhưng chiến thuật có thể thay đổi, theo kiểu "tùy cơ ứng biến". Với biến thể Delta hiện nay, không "mặt trận miền" nào là yên tĩnh, từ Miền Nam tới Miền Bắc. Vì thế, nếu không có các chiến thuật linh hoạt các ưu tiên thì sẽ không thể "thần tốc" dập dịch và đẩy lùi đà lây lan đáng sợ của nó.

Sáu tháng còn lại của năm 2021, các kịch bản tăng trưởng sẽ được quyết định dựa trên tiền đề thành công chống dịch bệnh. Với phương pháp "linh hoạt ưu tiên", mục tiêu tăng trưởng có thể mềm dẻo trong biên độ cho phép, để tránh áp lực quá nhiều cho các nhà thực thi chính sách.

Đầu tháng 7, đích thân Thủ tướng đã đi thăm nhà máy Vinamilk khi đi kiểm tra, động viên công tác chống dịch tại tâm dịch TPHCM. Trước đó, ông cũng trực tiếp về Bắc Giang giữa lúc địa phương này đang gồng mình ứng phó với dịch bệnh, để thị sát và chỉ đạo hỗ trợ tỉnh nhanh chóng dập dịch và phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp. Điều này cho thấy sự lo lắng, quan tâm và chỉ đạo vô cùng sát sao của người đứng đầu Chính phủ trong cơn dịch bệnh.

Kể từ 27/4 đến nay, số ca mắc Covid-19 của Việt Nam là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số ca mắc mới có thể còn tăng nhưng "cuộc chiến" đã thay đổi trạng thái. Những người chèo lái con tàu đang từng bước linh hoạt để vượt qua "cơn bão Covid.

Và một khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự bứt phá của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ