(Tổ Quốc) - Sau 8 năm thực hiện Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội tiếp tục phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển trong Vùng Thủ đô và cả nước.
Tuy nhiên, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường chưa đạt tiến độ, chất lượng, có mặt yếu kém. Việc di dời cơ sở theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều, chưa giảm tải cho đô thị trung tâm... Ngoài các nguyên nhân chủ quan, một số nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô, giải quyết bất cập còn độ trễ.
Hà Nội đã thống nhất cao về sự cần thiết phải đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô. Trước hết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 là để kịp thời thể chế hóa những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 về vị trí, vai trò, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 còn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Thủ đô; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật, củng cố cơ sở pháp lý thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô còn nhằm bổ sung quy định mới về mô hình chính quyền đô thị và cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với vị thế của Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, phát huy được tiềm năng, chủ động, sáng tạo của Thủ đô để có bước phát triển mới, xứng đáng là "kinh đô của muôn đời".
Theo GS Lưu Trần Tiêu, cần xác định lại vai trò, vị thế của Thủ đô để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và đất nước trong giai đoạn tới. Khẳng định nguyên tắc áp dụng Luật: Ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự mâu thuẫn, quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và Luật chuyên ngành.
Các nội dung của Luật cần cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Tập trung vào những chính sách khuyến khích nhằm huy động được các nguồn lực (chất xám, tài chính, khoa học công nghệ…) trong xã hội tạo thành sức mạnh tổng hợp để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các Nghị định của Chính phủ thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua (sẽ có hiệu lực hơn các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố như hiện nay).
Hà Nội lưu giữ một quỹ di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) phong phú, đa dạng nhất cả nước. Do vậy, ngoài ngân sách đầu tư của Thành phố, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của quỹ di sản này.
Cũng theo GS Lưu Trần Tiêu, di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của văn hóa. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triền kinh tế - xã hội không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất. Cả hai đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững. Lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn đang hiện diện trên vùng đất "ngàn năm văn hiến" này, bởi hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa và một kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa nghệ thuật, khoa học to lớn, thể hiện đậm nét, cốt cách, bản sắc, sự hội tụ và lan tỏa của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Vùng châu thổ sông Hồng cũng là nơi chứng kiến quá trình chuyển dịch mang tính chiến lược, đột phá về tư duy phát triển từ miền trung du xuống đồng bằng với việc định đô ở Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc, là chứng tích vật chất Kinh đô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; thể hiện bước phát triển cao trong việc vận dụng sáng tạo điều kiện tự nhiên để tạo các vòng thành và hào thành, xây dựng các công trình quân sự và phòng vệ quy mô lớn, xây dựng căn cứ bộ binh và thủy binh, truyền thống sử dụng cung nỏ và thủy chiến, đánh dấu bước tiến quan trọng của người Việt trong việc chinh phục châu thổ sông Hồng.
GS Lưu Trần Tiêu cho rằng, di sản văn hóa Hà Nội là một nguồn lực cho phát triển bền vững.
"Trên thế giới hiện đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về phát triển, trong đó có xu hướng coi kinh tế, khoa học và công nghệ là nền tảng của phát triển. Đúng là ba lĩnh vực nêu trên rất quan trọng, nhưng phát triển là phức hợp đa chiều tác động qua lại lẫn nhau, gắn bó hữu cơ với rất nhiều các thành tố tạo nên sự phát triển, và suy cho cùng, hạt nhân cơ bản của phát triển là phẩm chất, trí tuệ và giá trị sáng tạo của con người – con người văn hóa. Nói một cách tổng quát, phát triển bền vững là sự phát triển đảm bảo nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sống và sử dụng tài nguyên, mọi nguồn lực hiện có của xã hội, trong đó có di sản văn hóa, một cách hợp lý, căn cơ, có trách nhiệm để đảm bảo nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại và chuyển giao cho các thế hệ mai sau"- GS Lưu Trần Tiêu nhận định./.