(Tổ Quốc) -Nếu không có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì mọi chủ trương, đường lối của Đảng không thể trở thành hiện thực. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”1. Do đó, vấn đề tạo dựng niềm tin giữa quần chúng nhân dân với Đảng hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam ở hiện tại và mãi mãi về sau.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng tạo dựng, xây dựng, củng cố và bồi đắp niềm tin gắn bó máu thịt với nhân dân, coi đây là nhân tố quan trọng, quyết định đến sức mạnh chiến đấu của Đảng. Nhờ vậy, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ giang sơn đất nước của nhân dân ta mới giành được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến việc bồi dưỡng sức dân, lo cho dân; điều này được biểu hiện ở những quan điểm, đường lối của Đảng,Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, vì thế, đời sống của nhân dân đã được cải thiện một cách rõ ràng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy.
Tuy nhiên, do tác động của những mặt trái cơ chế thị trường và những ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế, việc thực hiện những chính sách về chăm lo sức dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đời sống của nhân dân ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, xa dân vẫn còn diễn ra ở những nơi này, nơi khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Hội nghị công tác Dân vận ngày 27 tháng 5 năm 2016 (nguồn: chinhphu.vn) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã chỉ ra ở Hội nghị công tác Dân vận ngày 27 tháng 5 năm 2016: ở không ít nơi, cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Không chỉ có vậy, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Để lấy lại niềm tin của Đảng với dân, để tạo dựng lại uy tín, thanh danh cho Đảng,Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” ra đời đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước. Nghị quyết đã thổi một luồng gió mới, xua đi những nghi ngờ và xen cả những băn khoăn, lo lâu, trăn trở mà bấy lâu nay quần chúng nhân dân vẫn lo.
Nghị quyết đã xác định rõ 4 nhóm giải pháp (công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội). Vấn đề mang tính chất quyết định là quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của từng cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và từng đảng viên trong toàn Đảng, vì mục tiêu cao nhất là “Tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tạo dựng niềm tin bằng cách nào?; làm như thế nào để vẫn giữ được mối đoàn kết gắn bó trong Đảng, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng để chống phá Đảng? Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của chế độ.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, tư duy sắc sảo, nhìn thấu mọi sự vận động, biến đổi, phát triển của xã hội, bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của mình trong quá trình lãnh đạo cách mạng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nhờ vậy, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lấy lại uy tín, niềm tin của mình với quần chúng nhân dân.
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, quý II năm 2016, có 04 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 02 người; phát hiện 07 vụ; 08 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng… Còn nhiều vụ án khác đang trong thời gian thụ lý, điều tra, xem xét trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Không có vùng cấm trong phòng chống đấu tranh chống tham nhũng.
Niềm tin của Nhân dân với Đảng là sự tự nguyện, tự giác của chính quần chúng nhân dân được hưởng thụ những giá trị của độc lập tự do, của công bằng, tiến bộ xã hội chứ không phải bằng sự ép buộc của lực lượng nào. Để có được niềm tin đó, Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm thì mới thuyết phục, lôi cuốn được, vận động được đông đảo người dân cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, đơn vị; thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đó củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân trong thời kỳ mới.
Có thể nói, tạo dựng niềm tin của Đảng với nhân dân là vấn đề cốt tử của Đảng cầm quyền hiện nay, vấn đề này, V.I.Lênin đã từng nói: Những người cộng sản chỉ như những giọt nước trong đại dương nhân dân”. Nếu không có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì mọi chủ trương, đường lối của Đảng không thể trở thành hiện thực. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Khi nắm chính quyền, Đảng có nhiều điều kiện mới, công cụ mới để tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, nhưng cũng dễ nảy sinh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng;làm cho đảng viên thoái hoá biến chất, xa rời quần chúng. Đó là nguyên nhân căn bản làm cho Đảng suy yếu.
Tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân là con đường cơ bản và ngắn nhất để nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Cán bộ, đảng viên có gần Dân, sát Dân, hiểu và lo cho Dân, phục vụ Dân; đồng thời, Dân tin yêu, giám sát cán bộ đảng viên, thì mới có thể ngăn ngừa có hiệu quả sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, mới hạn chế tình trạng phai nhạt lý tưởng cách mạng trong đội ngũ; để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách thường xuyên, liên tục, kiên quyết. Chỉ có như vậy, mới đẩy lùi các nguy cơ trong Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức.
Niềm tin đã, đang và sẽ là nguồn gốc, động lực cho mọi hành động của Đảng ta, cho cuộc đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Uy tín, niềm tin của Đảng phát triển đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào hành động của Đảng, không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những khuyết điểm của chính bản thân chúng ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bất luận trong hoàn cảnh nào, Đảng cũng phải tạo dựng được niềm tin với quần chúng nhân dân./.
1 Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 261.