(Tổ Quốc) - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. Tại Kỳ họp này, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ được trình để trình Quốc hội xem xét. Từ nay đến thời điểm đó không còn dài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đang gấp rút hoàn thiện dự thảo để kịp tiến độ đề ra.
Khắc phục tình trạng ứng xử chưa thỏa đáng với di sản văn hóa
Vào trung tuần tháng 3/2024, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các đại biểu dự tọa đàm đều cho rằng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.
Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ở nhiều địa phương, di sản văn hóa chỉ được coi là vật trang trí, không có tác dụng gì trong quá trình phát triển kinh tế địa phương. Từ đó ứng xử với di sản văn hóa chưa được như mong muốn, đầu tư cho văn hóa nhỏ giọt, vì nhiều địa phương ưu tiên tập trung chi đầu tiên phát triển, có hiệu quả ngay lập tức hơn là đầu tư cho di sản văn hóa. Do vậy, Quy định trong dự thảo Luật cần khắc phục điều này.
Còn theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, trong thời gian tới nên ưu tiên những di sản sau khi bảo tồn tôn tạo có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch, cần nhấn mạnh để thấy rằng di sản không phải chỉ tiêu tiền, mà di sản chính là sản sinh ra tiền. Đồng thời, cần phát huy di sản cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Đặng Văn Bài cho biết, với di sản văn hóa phi vật thể, đôi lúc có dư luận trái chiều là ngành văn hóa đang có hội chứng về di sản. Tuy nhiên, thực tế thấy rằng, di sản văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê, danh mục Di sản văn hóa quốc gia, ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền địa phương càng ngày càng tăng. Bởi vậy cần thiết có hành lang pháp lý phù hợp.
“Việc ghi danh Di sản thế giới cũng thể hiện Việt Nam có đóng góp trở lại với nhân loại, đó cũng là biểu hiện sức mạnh mềm, tăng nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.”, PGS.TS. Đặng Văn Bài cho hay.
Gấp rút, đúng tiến độ
Trong cuộc họp với các Bộ ngành, địa phương để nghe báo cáo về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào hồi đầu tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác quản lý di sản văn hóa đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là cần phân công, phân cấp triệt để cho địa phương.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng trên thực tế, các thủ tục hành chính về phục hồi, tôn tạo, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa còn phức tạp, thiếu phân cấp, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hoá.
Do vậy, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) phải giải quyết được các vướng mắc, tồn tại, bất cập trong thực tiễn quản lý, bảo tồn, bảo vệ, tu bổ di sản văn hóa; đồng thời phát huy, truyền bá giá trị di sản văn hóa, tham gia đóng góp và phát triển kinh tế-xã hội.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Chính phủ về các nội dung phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương; quy định mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...
Cơ quan soạn thảo cũng làm rõ, rà soát, chỉnh lý quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có phạm vi từ 2 tỉnh trở lên; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa các dân tộc; đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc Việt Nam, quy định sách giáo khoa chuẩn thống nhất sử dụng; chế độ, chính sách đối với nghệ nhân dân gian chưa được phong tặng danh hiệu; bổ sung "di sản văn hóa thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải" thuộc sở hữu toàn dân…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Ban hành Luật Di sản văn hóa không phải là bó hẹp trong bảo vệ, bảo tồn, mà cần phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Bộ cũng đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như cấm kinh doanh bảo vật quốc gia; cấm xuất khẩu di vật, cổ vật; bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia và di sản tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt".
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với các luật liên quan, như dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…
Sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Cục Di sản Văn hóa và các đơn vị liên quan cũng đã tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các đề án, chương trình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024, Bộ VHTTDL xác định là năm của công tác pháp chế.
Tại cuộc họp này Bộ trưởng đề nghị, phải ưu tiên, dồn nguồn lực, sức lực, trí tuệ để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đúng tiến độ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Các Cục, Vụ được giao nhiệm vụ phải làm chuẩn xác cả về chất lượng và đúng hạn, xem đây là thước đo trong đánh giá hoàn thành công việc.
Hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện một cách đầy đủ nhất, để khi trình xin ý kiến Quốc hội nhận được đồng thuận cao từ các vị đại biểu Quốc hội./.