• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tạo nên "kháng thể" văn hóa để ngăn chặn âm mưu cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp

Thực hiện: Xuân Trường | 21/07/2023

(Tổ Quốc) - Việc ngăn chặn âm mưu cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp vào các sản phẩm lưu hành ở Việt Nam không chỉ là của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của mỗi người dân.

Thời gian qua, dư luận bức xúc trước hàng loạt bộ phim nước ngoài có cài cắm bản đồ "đường lời bò" phi pháp của Trung Quốc. Đáng chú ý, đây không phải vấn đề mới khi từ nhiều năm trước, Việt Nam đã phát hiện hàng loạt vụ sách báo, truyện thiếu nhi, trò chơi điện tử, các ấn phẩm du lịch, quần áo… có cài cắm bản đồ "đường lưỡi bò".

Bản đồ "đường lưỡi bò" là hoàn toàn phi pháp, trái với luật pháp quốc tế và không có giá trị. Tuy nhiên, việc xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều cùng những thủ đoạn tinh vi thể hiện rõ âm mưu "đổi trắng thay đen" của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Mọi công dân phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an nhấn mạnh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không được phép để xảy ra bất cứ vi phạm, dưới bất kỳ hình thức nào về độc lập, chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam.

Tạo nên "kháng thể" văn hóa để ngăn chặn âm mưu cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an

"Trước tiên phải khẳng định rằng quần đảo Hoàng và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam có cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý (quốc tế và trong nước) để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và theo các công ước, luật pháp quốc tế, chúng ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán xung quanh hai quần đảo này.

Việc Trung Quốc đưa ra đường chín đoạn (đường lưỡi bò) là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước về Luật biển năm 1982 cũng như vi phạm những tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc. "Đường lưỡi bò" là phi pháp và hoàn toàn không có giá trị", Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, thời gian qua, Trung Quốc dùng nhiều kênh thông tin trong đó có cả các sản phẩm văn hóa để tìm cách đưa các hình ảnh về "đường lưỡi bò" vào Việt Nam (trước đó hình ảnh này cũng từng được đưa vào Việt Nam qua những đoàn khách du lịch Trung Quốc, in trên hộ chiếu Trung Quốc…), đây là hành động rất tinh vi, nguy hiểm và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh, Hiến pháp Việt Nam đã quy định, mọi công dân Việt Nam có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chính vì vậy, không chỉ cơ quan chức năng mà mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức, có hành động cụ thể để ngăn chặn những hành vi vi phạm.

"Những sản phẩm có nội dung vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ dưới bất kỳ hình thức nào đều phải được cấm lưu hành. Những ai tiếp tay, dù vô tình hay cố ý đưa các sản phẩm vi phạm này vào Việt Nam cũng đều phải được xử lý nghiêm, cần thiết là xử lý hình sự", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Tạo nên chất kháng thể văn hóa

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Trần Hữu Sơn (nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai) cho biết, nhiều năm công tác và gắn bó với ngành văn hóa, ông nhận thấy thực tế thường xuyên xảy ra việc cài cắm hình ảnh, bản đồ có "đường lưỡi bò" với những chiêu bài tinh vi, lắt léo.

Chẳng hạn, trong những ấn phẩm sách tặng cho thư viện Hán ngữ, trên hộ chiếu cho khách du lịch, quà tặng..., có nhiều sản phẩm bị lồng ghép những hình ảnh phi pháp này.

"Năm 2018, tôi có dự một hội thảo bên nước bạn, nhận thấy phía dưới chân cột mốc biên giới ở Hà Khẩu (đối diện với cột mốc bên kia sông Hồng của Lào Cai), Trung Quốc đã xây dựng nơi đây thành điểm chụp ảnh kỷ niệm, nơi mọi người đứng chụp ảnh đều sẽ đặt chân vào bản đồ có đường lưỡi bò, tôi quan sát kỹ và vận động mọi người không chụp ảnh, sau đó thông báo cho cơ quan hữu quan về thủ đoạn nhập nhằng này", TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Tạo nên "kháng thể" văn hóa để ngăn chặn âm mưu cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp - Ảnh 2.

TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai

Theo TS Trần Hữu Sơn, chiêu bài này luôn được tìm mọi cách để cài cắm một cách tinh vi, với tần suất ngày càng nhiều. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nếu thiếu cảnh giác thì rất dễ xuất hiện những tình huống như thế. Đây là điều rất nguy hiểm, vì văn hóa có đặc thù được tiếp xúc với công chúng rất lớn. Trước những thành tựu phát triển rầm rộ của văn hóa nghệ thuật hôm nay thì những chiêu bài cài cắm này càng được sử dụng nhiều hơn, nguy hiểm hơn, tác động đến công chúng nhiều hơn, nhất là trong phim ảnh, ấn phẩm sách báo…

Trước thực tế này, theo TS Trần Hữu Sơn, giải pháp căn cốt nhất chính là nâng cao ý thức của mỗi người dân. Truyền thống yêu nước của người Việt đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, những biểu hiện xâm lăng văn hóa như thế này là sự thách thức, khiến lòng yêu nước càng bùng cháy lên. Khi tự thân mỗi cá nhân thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước thì sẽ dập tắt những âm mưu, thủ đoạn. Đó là cái gốc để bảo vệ chủ quyền văn hóa quốc gia, là chủ trương đúng và bền vững.

"Gần đây, chúng ta đang ngăn chặn, xử lý vi phạm trong những bộ phim, đó là biện pháp cần thiết nhưng mang tính hậu kiểm chứ chưa phải là biện pháp chủ động. Tuy nhiên, cũng từ việc phát hiện nhiều vi phạm như thế, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết phải cảnh tỉnh, nâng cao nhận thức người dân.

Quan trọng hơn, cần tổ chức thêm nhiều các hoạt động như hội thảo khoa học, các đợt tuyên truyền về biển đảo, nói rõ về nguồn gốc của "đường lưỡi bò", thực chất, sự vô lý và nguy cơ phía sau những thủ đoạn cài cắm tinh vi. Thông qua đó để tiếp tục khẳng định niềm tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm", TS Trần Hữu Sơn nói.

Cũng theo TS Trần Hữu Sơn, công tác quản lý nhà nước trong ngành cần chặt chẽ, từ đó lan tỏa ra xã hội, tạo nên chất kháng thể văn hóa. Gốc của kháng thể đó chính là tinh thần yêu nước, là lòng tự trọng, lòng tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó, cũng cần tranh thủ tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế ủng hộ chúng ta. Trong sử dụng các nền tảng mạng xã hội, cần tận dụng sức mạnh của các nền tảng để lan tỏa nhiều hơn, thể hiện rõ ràng hơn, quyết liệt hơn quan điểm, sự cảnh giác trước những chiêu bài gây tổn thương đến nền văn hóa, tổn hại đến an ninh văn hóa quốc gia.

NỔI BẬT TRANG CHỦ