(Tổ Quốc) - Với sự bùng nổ của các sản phẩm du lịch đêm năm 2023, nhiều địa phương xác định năm 2024 sẽ phát triển du lịch đêm và kỳ vọng đây sẽ là điểm sáng góp phần vào tăng trưởng chung của ngành du lịch Việt Nam.
Nhiều sản phẩm mới được khai thác
Hà Nội là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm, khi hiện nay, trên địa bàn thành phố đang có 16 sản phẩm du lịch đêm. Các sản phẩm đêm đã mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách, tạo được nét riêng của du lịch Hà Nội. Với sự thành công của đó, nhiều địa phương đã học hỏi, nối bước theo để phát triển mô hình du lịch này. Điển hình có thể kể đến tỉnh Quảng Ninh.
Trong suốt thời quan qua, nhiều hoạt động du lịch đêm cũng đã diễn ra và đem lại những tín hiệu tích cực cho tỉnh Quảng Ninh. Từ cuối tháng 4/2022, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động Phố đêm du thuyền Hạ Long từ 17h đến 23h hàng ngày. Theo đó, du khách có thể được tận hưởng không gian ẩm thực đặc sắc, được thưởng thức không gian văn hóa, khám phá thành phố biển Hạ Long lung linh về đêm. Tại đây còn diễn ra các đêm nhạc với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, tạo sự phong phú và đa dạng cho du lịch về đêm.
Trên các địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn mở một số tuyến phố đi bộ phụ vụ du khách từ 18h đến 24h vào các ngày cuối tuần như: Phố đi bộ Trần Phú (TP. Móng Cái), phố đi bộ Tiên Yên (huyện Tiên Yên), phố đi bộ Minh Châu (huyện Vân Đồn)... tạo ra nhiều không gian trải nghiệm để thu hút khách du lịch.
Để tiếp nối những thành công này, tại cuộc họp triển khai đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm vào đầu 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, cần xác định ngay những mô hình thí điểm để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách, qua đó thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch và người dân trong tỉnh.
Theo đó, yêu cầu 5 địa phương được chọn thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều và Cô Tô khẩn trương lập và phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn xong trước ngày 30/4/2024. Trong quá trình lập đề án, địa phương cần lấy ý kiến các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch và du khách, xây dựng những sản phẩm đặc sắc theo đúng 5 lĩnh vực của đề án đã được tỉnh ban hành gồm biểu diễn văn hóa, văn nghệ; mua sắm, giải trí ban đêm; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về ban đêm; tham quan du lịch về đêm; ẩm thực, du lịch ăn uống đêm.
Đáng chú ý, trong năm 2024, một số sản phẩm du lịch đêm đang được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xây dựng và tổ chức hứa hẹn nhiều hấp dẫn như: Phố đi bộ Hải Long (TP Hạ Long), du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao của TP Hạ Long, cắm trại đêm tại Thanh Lân và du lịch đạp xe trải nghiệm Cô Tô (huyện Cô Tô) về đêm, phố ẩm thực đêm thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà),...
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch TS Trương Sỹ Vinh chia sẻ: "Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được du khách quốc tế yêu thích, tuy nhiên, lâu nay chúng ta vẫn hạn chế trong việc níu chân du khách lưu lại dài ngày. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh lập kế hoạch và triển khai xây dựng mở rộng không gian phát triển kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo cho du khách trải nghiệm là rất cần thiết. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tăng thêm thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch trong hành trình đến với Việt Nam".
Cần quy hoạch cho phù hợp
Tuy nhiên, theo TS Trương Sỹ Vinh, nhìn chung, phát triển sản phẩm du lịch đêm có vai trò quan trọng và cần thiết cho việc thúc đẩy du lịch tại các địa phương nhưng thực tế còn nhiều rào cản. Cụ thể, ở nhiều tỉnh thành, thậm chí cả Hà Nội hiện nay, các sản phẩm, dịch vụ ban đêm vẫn chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu là các hoạt động đơn giản như: đi bộ, ăn uống,… còn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao còn chưa nhiều, chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách trải nghiệm.
Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn, hạn chế trong quản lý hoạt động dịch vụ đêm. Đó là thiếu nhân lực tham gia quản lý hoạt động về đêm; chưa có cơ chế khuyến khích các hộ mở rộng hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm nên việc tổ chức các dịch vụ vui chơi đêm kéo dài cho đến 6h sáng hôm sau còn hạn chế. Bởi, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh và có thể phát sinh thêm những tệ nạn xã hội gây mất trật tự an ninh. Đây là vấn đề khó giải quyết nhất khi phát triển mô hình du lịch ban đêm".
"Hơn nữa mỗi sản phẩm du lịch đêm ra đời không phải bất cứ sản phẩm nào cũng có một lượng khách ổn định. Ví dụ, tour đêm "Chữ Tâm chữ Tài" của Bảo tàng Văn học Việt Nam, ban đầu mới ra mắt đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch quan tâm nhưng hiện tại tour này đang rất ít người tham gia, thậm chí có tuần phải tạm dừng vì vắng khách. Điều này, sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tour đêm và không đem lại hiệu quả bền vững trong phát triển du lịch" – TS Trương Sỹ Vinh cho biết thêm.
Trước thực trạng đó, để các dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế đêm nói riêng, góp phần thúc đẩy vào sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam nói chung, TS Trương Sỹ Vinh cho rằng: Các sản phẩm du lịch ban đêm phải được phát triển một cách đa dạng và phải có tính riêng biệt theo từng vùng miền. Các địa phương, điểm đến cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đêm như tham quan làng cổ, làng nghề, di tích lịch sử, tôn giáo… về đêm. Bên cạnh đó, không chỉ phát triển trung tâm thành phố, có thể phát triển thêm các sản phẩm ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn có kết nối thuận tiện.
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm mà còn cần được đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, các hoạt động thể chất như team building về đêm, thể thao đêm, ngắm cảnh đêm… và những hoạt động văn hóa nghệ thuật khác mà du khách có thể tham gia trải nghiệm.
Cùng với đó, những khu phát triển du lịch ban đêm cần phải quy hoạch cho phù hợp, chứ không phải chỗ nào cũng làm được. Khu vực được quy hoạch hệ thống dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm nên nằm ở vị trí trung tâm, tập trung nhiều điểm tham quan, đông đảo khách du lịch dễ tiếp cận, cơ sở vật chất đầy đủ và giao thông thuận tiện. Đồng thời, các cơ quan chức năng và các địa phương khi phát triển du lịch đêm cần phải đưa ra biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch đêm để đảm bảo sự an toàn, tránh xảy ra các tệ nạn xã hội không mong muốn.
"Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý, cái bắt tay chặt giữa địa phương, nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa và cộng đồng sáng tạo để tạo ra những không gian văn hóa đêm ấn tượng, mang giá trị phát triển bền vững cho ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung" – TS Trương Sỹ Vinh nhấn mạnh./.