(Tổ Quốc) - Nhiều phụ nữ người dân tộc Tà Ôi tại huyện vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình nhờ giữ gìn và phát huy nghề dệt Dèng truyền thống.
Đặc sắc nghề dệt Dèng
Dệt Dèng là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Đây là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo được người đồng bào Tà Ôi truyền từ đời này sang đời khác.
Sợi dệt truyền thống của Dèng được sử dụng là những sợi bông khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các sắc màu vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác. Việc xuất hiện cả hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng cườm khiến cho các sản phẩm từ Dèng hết sức độc đáo.
Những tấm vải dệt Dèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời… Hoa văn dệt Dèng thường thể hiện 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh có ý nghĩa đối với văn hóa tâm linh, khao khát về sự giao hòa giữa trời đất và con người.
Với đồng bào người Tà Ôi, mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Những tấm Dèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng.
Trước đây, dệt Dèng chỉ là công việc của phụ nữ Tà Ôi lúc nông nhàn, mang tính tự cung tự cấp. Để làm ra một tấm Dèng rất mất công sức và thời gian. Thế nên, từng có lúc nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các nghệ nhân đã nỗ lực tìm cách phục dựng lại. Nhiều đề án, chương trình được triển khai, nhờ đó đã góp phần hồi sinh mạnh mẽ nghề dệt Dèng của người Tà Ôi tại huyện A Lưới.
Phát triển kinh tế từ dệt Dèng
Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 6 HTX cùng nhiều cơ sở dệt Dèng hoạt động thường xuyên với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi. Sự ra đời của các HTX đã giúp cho công việc sản xuất Dèng của người dân đi vào bài bản, chuyên nghiệp. HTX là đầu mối nhận các đơn đặt hàng, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác. Những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ưu tiên tham gia vào HTX. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của các HTX dệt Dèng ngày càng có hiểu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Được thành lập năm 2012, HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh của nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong những cơ sở dệt Dèng ra đời sớm nhất tại huyện A Lưới. Ban đầu HTX chỉ có 16 thành viên, đến nay số lượng thành viên đã lên đến 120 người, trong đó có hơn 50 thành viên hoạt động tích cực. Sau nhiều năm hoạt động, đã có nhiều phụ nữ Tà Ôi được nghệ nhân Mai Thị Hợp hỗ trợ dạy nghề, trao truyền kinh nghiệm dệt Dèng.
Để mọi người thực sự biết đến Dèng, nghệ nhân Mai Thị Hợp cùng các thành viên trong HTX cũng luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng và gần gũi để khi mua về, người dùng có thể dễ dàng sử dụng và nhớ đến.
Nhờ biết lắng nghe và học hỏi, HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh đã mang lại công việc có thu nhập cho các thành viên tham gia. Các sản phẩm Dèng của HTX ngoài bán cho thị trường truyền thống là các huyện miền núi của Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị... thì đã và đang được xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi tấm vải Dèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/tấm, có loại đến gần 2 triệu đồng.
Chị Blup Thị Hà, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh (con gái nghệ nhân Mai Thị Hợp) cho biết, cùng với những trang phục truyền thống, hiện nay, HTX cũng đã sáng tạo hơn 30 sản phẩm lưu niệm từ Dèng như túi xách, giày dép, kẹp, cài tóc, khuyên tai, ví… với mức giá chỉ từ 50.000 đến 500.000 đồng, để mọi người có thể dễ dàng mua làm quà tặng người thân, bạn bè.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm về bán hàng online, mở rộng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để Dèng ngày càng vươn xa, ngày càng được nhiều công chúng đón nhận. Tiếp tục thực hiện sứ mệnh tạo việc làm ổn định cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện A Luới thông qua việc duy trì và phát triển nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi.