(Tổ Quốc) - Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành và người dân.
Ngay khi Quốc hội ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (ngày 20/6/2012), Bộ VHTTDL đã quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ nhằm triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch nói riêng; nhận thức tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó đã đề ra cụ thể mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật, với khoảng từ 4-8 trọng tâm trong năm và giao nhiệm vụ cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
10 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trên 70 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề, đối tượng, địa bàn đảm bảo kịp thời, phù hợp với điều kiện và đặc thù của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Đối với từng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể theo Kế hoạch hoặc phát sinh khi có các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ đã kịp thời ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện.
Đặc biệt đối với công tác triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với một số bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện, góp ý và triển khai các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, như: phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án "Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2021"; với Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027".
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình và thông tin đầy đủ, kịp thời đến cán bộ, công chức làm công tác quản lý tại địa phương và đối tượng chịu tác động của chính sách; thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn bằng các hình thức phù hợp, thiết thực theo nội dung, đối tượng..
Nhằm mục đích quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới đến các cán bộ, công chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch, gắn việc tuyên truyền, phổ biến với thi hành pháp luật, đảm bảo phù hợp với thực tiễn để từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã triển khai việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngay sau khi văn bản được ban hành và có hiệu lực, giúp các cán bộ, công chức, viên chức nhận thức, đầy đủ, chủ động áp dụng thống nhất, hiệu quả, đúng quy định trong quá trình thực thi.
Trong đó tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật các nội dung về chủ trương, quan điểm, chính sách trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, phổ biến các văn bản, chính sách cho cán bộ, Nhân dân, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua; các quy định pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; ngoài các văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao, du lịch, tập trung các quy định về cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, ma túy, dịch bệnh, thiên tai; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Điểm nhấn năm 2015, Bộ VHTTDL đã tổ chức 12 cuộc phổ biến trực tiếp Hiến pháp 2013 cho tổng số 2.400 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tại khu vực miền Nam và miền Trung.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn được triển khai trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản, tài liệu đề nghị các Sở chủ động nghiên cứu, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý.
Hằng năm, Bộ VHTTDL đã tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch tới các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Sở tại địa phương.
Tại các Hội nghị tập huấn đã thảo luận về những vấn đề thực tiễn có liên quan, nhiều đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch từ thực tiễn cơ sở về chế độ chính sách đối với nghệ sỹ, diễn viên; quản lý các khu điểm du lịch, hoạt động thể thao trên địa bàn... Để hướng dẫn, chỉ đạo, giải đáp các ý kiến, Bộ VHTTDL đã kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong từng lĩnh vực để hướng dẫn, trao đổi, giải đáp các thắc mắc. Ngoài các ý kiến trực tiếp, Bộ cũng nhận được các văn bản của một số địa phương và đã nhanh chóng, kịp thời giải đáp.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên thông qua các văn bản, báo cáo, làm việc trực tiếp với các đơn vị về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hình thức được Bộ tăng cường giám sát qua các cuộc họp, làm việc chuyên đề về xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thi hành và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Qua báo cáo của các địa phương và tổng hợp, đánh giá hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trao tặng Bằng khen cho 24 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Triển khai chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các Sở ban hành và triển khai kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động; các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình mới được ban hành.
Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng đã tạo điều kiện cho tổ chức, công dân tiếp cận các chính sách pháp luật của trung ương và địa phương trong lĩnh vực ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành và người dân.