(Tổ Quốc) - Lãnh đạo Tập đoàn Samsung Electronics hôm qua đã thành thật xin lỗi các công nhân mắc bệnh và gia đình của họ. Tập đoàn thừa nhận đã không thể kiểm soát một cách xứng đáng những rủi ro về sức khỏe tại các nhà máy sản xuất LCD và chip bán dẫn.
(Nguồn: Trí thức trẻ)
Hôm 24/11, cha của một nữ công nhân Samsung 22 tuổi qua đời vì bệnh ung thư và đồng chủ tịch Samsung Electronics Kim Ki-nam đã cùng ký một bản thỏa thuận giải quyết vụ bê bối kéo dài từ năm 2007.
"Chúng tôi thành thật xin lỗi các công nhân đã mắc bệnh và gia đình của họ. Chúng tôi đã không thể kiểm soát một cách xứng đáng những rủi ro về sức khỏe tại các nhà máy sản xuất LCD và chip bán dẫn của chúng tôi", đại diện Samsung cúi rạp đầu xin lỗi.
Samsung Electronics hiện đang vận hành các tổ hợp sản xuất chip bán dẫn và màn hình LCD khổng lồ ở tỉnh Suwon, hai thành phố Hwaseong, Pyeongtaek ở phía nam Seoul. Tập đoàn này cũng có một nhà máy ở Tây An (Trung Quốc).
Được biết, có khoảng 240 công nhân của Samsung đã mắc các bệnh liên quan đến công việc, trong đó khoảng 80 người đã tử vong hoặc đang trong cảnh chờ chết do mắc tổng cộng 16 loại bệnh ung thư khác nhau. Một số trường hợp bị sẩy thai hoặc sinh ra con mắc các bệnh bẩm sinh.
Theo thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án, Samsung Electronics sẽ đền bù cho các nạn nhân lên tới 150 triệu won (182.000 USD) mỗi trường hợp và tổng số tiền đền bù là 150 triệu USD.
Sau hơn 10 năm, Samsung mới chấp nhận chịu trách nhiệm về điều kiện lao động cho các công nhân của mình. Vụ việc cũng là lời cảnh báo xung quanh vấn đề bảo đảm điều kiện an toàn lao động cho công nhân tại hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở Việt Nam.
Cách đây một năm, Samsung Việt Nam cũng từng bị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) "nhắc nhở" liên quan đến việc thanh tra một số tổ chức phi chính phủ công bố báo cáo về lao động nữ làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam, với nhiều cảnh báo về vấn đề sức khỏe và sử dụng lao động.
Khi đó, theo kết luận thanh tra, sai phạm của Samsung Việt Nam là do quy định thời gian làm việc. Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8h đến 20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy lao động, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày. Quy định này, theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, là trái với Bộ luật Lao động 2012. Khi luật quy định giờ làm việc bình thường không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần (nếu theo tuần không quá 10h/ngày); giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30h/tháng, 200h/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300h/năm). Trong khi đó, ca làm việc hằng ngày của Samsung kéo dài tới 12h/ngày, mỗi tuần (7 ngày) làm tới 60h.
Ngoài ra, kết quả thanh tra còn phát hiện Samsung đưa vào nội quy lao động một số điểm chưa hợp lý như hợp đồng lao động tại nhà máy Samsung Thái Nguyên có điều khoản chưa đúng quy định; Samsung Bắc Ninh huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ cho người lao động.