• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập huấn bản Hướng dẫn “Quấy rối tình dục trong truyền thông – nhận biết, ngăn chặn và xử lý”

Văn hoá 22/12/2019 07:58

(Tổ Quốc) - Bản hướng dẫn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan báo chí và truyền thông, góp phần hình thành chính sách, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Theo nghiên cứu "Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo Báo chí Thụy Điển (FOJO) thực hiện năm 2018, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27% phóng viên nữ được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối tình dục. Trong khi đó, cơ chế hướng tới mục tiêu xử lý các vấn đề này còn chưa triệt để.

Tập huấn bản Hướng dẫn “Quấy rối tình dục trong truyền thông – nhận biết, ngăn chặn và xử lý” - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tập huấn - Ảnh: Thủy Bích

Diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/12 tại Hà Nội, chương trình tập huấn Bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông, nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên" thu hút sự tham gia của lãnh đạo, phóng viên chuyên trách của nhiều cơ quan báo chí và các chuyên gia.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ và phát triển báo chí của Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2019 của Dự án Mạng lưới đào tạo báo chí khu vực Đông Nam Á.

Mục đích buổi tập huấn dành cho các lãnh đạo và nhân viên các cơ quan báo chí, nhằm trang bị các kiến thức để nhận biết, ngăn chặn và xử lý. Mỗi một cơ quan đơn vị báo chí, căn cứ vào thực tế của mình có thể áp dụng vào việc xây dựng nội quy, quy định để bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc được hiệu quả.

Tập huấn bản Hướng dẫn “Quấy rối tình dục trong truyền thông – nhận biết, ngăn chặn và xử lý” - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia cao cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Ảnh Thủy Bích

Nhiều ý kiến chia sẻ đóng góp tại buổi tập huấn mang đến kiến thức hữu ích cho cả lãnh đạo và nhân viên trong các cơ quan báo chí. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia cao cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: tháng 5/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đưa vào nội quy của mình.

Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ được xem là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, còn việc áp dụng chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả.

Phải đến mới đây, trong Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua, quy định cụ thể hơn cho hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các biện pháp xử lý mới được đề cập.

Bà Hồng cho rằng, đây được xem là giải pháp thiết thực và là sự tiến bộ của pháp luật để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái khi làm việc. Tuy nhiên, bà Hồng cũng lưu ý, không nên làm trầm trọng hóa, căng thẳng hóa vấn đề khi có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bởi, mục đích của việc phòng, chống quấy rối tình dục là để tạo ra môi trường làm việc an toàn, thoải mái, thúc đẩy sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.

Hơn nữa, vấn đề quấy rối tình dục có liên quan quan với văn hóa , với sự thay đổi mà không thể làm trong ngày một ngày hai. Mà cái văn hóa này không phải đáng khuyến khích, nó xuất phát từ ý thức hệ gia trưởng của người châu Á nói chung và người Á Đông nói riêng. Ví dụ, vấn đề này ở Trung Quốc nó tương tự như Việt Nam, và nếu ở Ấn Độ thì nó thật là khủng khiếp. Chúng ta cũng không thể kỳ vọng khi mà pháp luật này ra đời và đến sang năm, khi mà có hiệu lực nó sẽ tốt ngay nhưng nó sẽ giảm bớt, bà Hồng cho biết thêm.

Trước đó, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức lễ ra mắt Bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông - nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên". Hướng dẫn này được thiết kế cho cả các cơ quan báo chí và nhân viên trong ngành truyền thông phòng tránh, giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi công sở.

Bản hướng dẫn làm rõ hơn khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hướng dẫn cho cơ quan báo chí phòng chống quấy rối tình dục, hướng dẫn khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại... Đồng thời, cũng chỉ ra rằng bất kỳ hành vi (thể xác, lời nói, tiếng động, cử chỉ) liên quan đến tình dục mà không được mong đợi và người kia nhận thấy bị xúc phạm thì đều bị coi là quấy rối tình dục. Bản hướng dẫn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan báo chí và truyền thông, góp phần hình thành chính sách, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ