(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc thực hiện một chương trình khá dài hơi và quy mô như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam thì rất cần phải tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… thì phát triển văn hoá, con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và để bảo đảm văn hóa phát triển cùng với kinh tế, xã hội… chúng ta cần xem xét trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hoá?
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thực tế, việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được triển khai qua nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược cho từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành nhưng rõ ràng do nguồn lực đầu tư không tương xứng nên không tạo được chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Chính vì vậy, đại biểu khẳng định việc xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam rất cần thiết ở thời điểm hiện nay và một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình cần tập trung đến vấn đề phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi triển khai đạt được những kết quả như kỳ vọng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, phải nhận thức thực sự đúng thế nào là chấn hưng văn hóa và khâu yếu nhất của văn hóa hiện nay đang cần chấn hưng là gì? Bởi lẽ văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng, cho nên nếu như chúng ta không xác định được nội dung trọng tâm thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Theo đại biểu, trong những năm qua, chúng ta đã làm rất tốt việc tổ chức các phong trào văn hóa và đã tập trung rất nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho đời sống văn hóa.
"Ví dụ hệ thống các nhà văn hóa từ thôn, khu dân cư cho đến nhà văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới với tiêu chí về nhà văn hóa đã hoàn thành và đang nâng cấp, chúng ta cũng có một hệ thống các thiết chế văn hóa khác.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng xây dựng, đầu tư quan tâm đúng mức và dành rất nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nhưng theo tôi, những điều đó mới chỉ là cái vỏ văn hóa, cái hạ tầng vật chất của văn hóa", đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, 2022 và 2023, cho thấy tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng. Gần đây vẫn tiếp diễn các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em rồi giết người bằng những thủ đoạn tàn độc, gây rúng động dư luận. Các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt là có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời. Bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trở thành mối lo lớn…
Đại biểu nhấn mạnh, để văn hóa thực sự được chú trọng, có sự chuyển biến về chất, rõ ràng không đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện những nhiệm vụ gì.
"Bên cạnh quan tâm phát triển các thiết chế văn hóa, chúng ta cần phải đặt ra một cái nhìn sâu hơn là chấn hưng văn hóa bắt đầu từ cái gì và khâu gì? Hiện nay chúng ta yếu nhất là cái gì thì vấn đề ấy phải là nội dung quan trọng nhất trong Để Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lần này", đại biểu chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, khi nhận diện được rồi, chúng ta cần phải chọn được ra những nhiệm vụ đột phá và trọng tâm nhất để tập trung nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, nhất là trong điều kiện nguồn lực của có hạn như hiện nay.
Từ năm 2020 đến nay, kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, do vậy với nguồn lực không nhiều, việc chúng ta thực hiện một Chương trình khá là dài hơi và quy mô về văn hóa như thế này thì rất cần phải tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.