• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tây Ninh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2020 - 2025

Du lịch 23/04/2020 07:32

(Tổ Quốc) - Tây Ninh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2020 - 2025, Đồng Tháp phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương, khuyến nghị các chính sách phát triển du lịch đường sông ở Cần Thơ là tin du lịch tại 3 tỉnh Nam Bộ vừa qua.

Tây Ninh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" giai đoạn 2020 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án này.

Mục đích của Đề án nhằm cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên – nhân văn, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao, kết nối đồng bộ với các ngành, các lĩnh vực để hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch; phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển và kết nối đồng bộ các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen và các điểm đến: Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Vườn Di sản ASEAN – Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng riêng có của du lịch địa phương.

Tây Ninh  ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2020 - 2025  - Ảnh 1.

Du lịch Tây Ninh - Ảnh minh họa - Nguồn: https://blog.traveloka.com/vn

Đề án có các nhiệm vụ chủ yếu như: cơ cấu lại thị trường khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, các nguồn lực phát triển du lịch; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, nguồn nhân lực du lịch và sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các giải pháp về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch và xây dựng môi trường du lịch.

Đề án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, Khu du lịch sinh thái Đảo Nhím Hồ Dầu Tiếng.... Kết nối Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam thành chuỗi du lịch hấp dẫn; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch dọc sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn; Phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; khai thác và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tạo sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa địa phương. Nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đa dạng, đồng bộ các sản phẩm du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, văn minh.

Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch Núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, thu hút hơn 5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt 6.800 tỷ đồng. Hơn thế nữa, Đề án cũng nhằm phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng, chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương; có thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế; nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; kết nối các tuyến, tour du lịch trong và ngoài nước, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Đồng Tháp phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp vừa phát động đợt thi đua chuyên đề "Phát triển sản phẩm du lịch Đồng Tháp gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương" nhằm làm nổi bật các giá trị hình ảnh tích cực và đặc trưng của địa phương. Mục đích của đợt thi đua nhằm nâng cao ý thức, tình yêu quê hương và niềm tự hào của người dân Đồng Tháp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Đối tượng phát động tham gia thi đua gồm: Tập thể là các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, khu di tích, điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, cơ sở sản xuất và bàn hàng đặc sản địa phương, quà tặng du lịch, quà lưu niệm Đồng Tháp; cá nhân là công chức, viên chức và người lao động.

Thời gian triển khai thực hiện trong năm 2020. Nội dung thi đua gồm: Đẩy mạnh phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng thương hiệu du lịch; thi đua hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của cơ quan, đơn vị, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao hình ảnh địa phương và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân v.v..

Khuyến nghị các chính sách phát triển du lịch đường sông ở Cần Thơ

Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ vừa có công văn gửi UBND thành phố về báo cáo khuyến nghị chính sách phát triển du lịch đường sông.

Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở thông tin từ Đề án "Phát triển du lịch đường sông TP Cần Thơ" do Viện Kinh tế - Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện trong giai đoạn 2017-2019. Thông qua việc đánh giá tiềm năng và lợi thế của du lịch đường sông, Viện Kinh tế - Xã hội nêu ra một số định hướng phát triển thời gian tới như phát triển thị trường, sản phẩm du lịch đường sông, nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, liên kết với các địa phương… Các chính sách được khuyến nghị là thu hút đầu tư, quảng bá truyền thông, nâng cao chất lượng nhân lực, kiểm soát chất lượng dịch vụ… để du lịch đường sông ở Cần Thơ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ