• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết của ngày chưa xa…

Văn hoá 17/02/2018 10:53

(Tổ Quốc) - Tuổi thơ tôi ở một vùng núi non trập trùng. Mùa Đông đến lạnh lắm, lạnh hơn bây giờ. Đó là một khu nông trường lớn chăn nuôi rất nhiều gia súc, gia cầm. Những ngày giáp Tết, trời rét căm căm.

Bọn trẻ con chúng tôi đi học mà mũi đỏ như con mèo. Nhưng những ngày ấy mẹ tôi vẫn phải lội ruộng cắt rau cho lợn và trâu bò của nông trường. Ngày ấy có một thứ rau gọi là rau lấp mà bây giờ tôi hầu như không thấy nữa.

Cuối năm, đó cũng là thời điểm rét đậm rét hại, trâu bò chết nhiều, đặc biệt vào những ngày giáp Tết, gió thổi lồng lộng, những con trâu gầy gò ốm yếu, cày bừa quanh năm, ở những cái chuồng trống hơ, trống hoác cứ lăn đùng ra chết.

Những tổn thất này ảnh hưởng nặng nề đến việc cày bừa nhưng bọn trẻ con thì mừng lắm. Vì nông trường sẽ mổ trâu bò và chia cho cán bộ công nhân viên. Bọn trẻ chúng tôi được bố mẹ giao cho đi lấy thịt trâu, nhìn miếng thịt trâu chết thâm sì mà tưởng tượng ra đĩa thịt trâu xào rau muống nóng hổi là bọn trẻ con đã rỏ cả nước miếng vì thời ấy rất hiếm khi được ăn thịt, và dù thịt trâu chết thì cũng là đặc sản rồi.

Thấy hoa đào là thấy Tết (ảnh VK)

Chuẩn bị cho ngày Tết, mẹ tôi ra chợ xã mua gạo nếp, lá dong, miến, hạt tiêu còn mộc nhĩ thì chị em tôi đã kiếm được từ trong năm. Những cây sắn làm bờ rào và vài loại cây nữa vào mùa ẩm ướt chúng nảy lên rất nhiều những cái mộc nhĩ to như cái tai lợn, màu hồng hồng trong suốt. Chị em chúng tôi hái mộc nhĩ, xâu vào một que lạt, về nhà treo lên gác bếp cho khô và có khi đến tận cuối năm, món mộc nhĩ ấy mới được mang ra dùng.

Vẫn là khâu kiếm thịt ăn Tết, bọn trẻ chúng tôi thường phải xếp sổ từ sáng sớm ở nhà giết mổ để được nhận một ít thịt lợn phân phối. Đó là một nông trường lớn nuôi hàng nghìn con lợn nhưng không hiểu sao người ta vẫn cung cấp thịt rỏ giọt cho công nhân, có lẽ vì để cung ứng cho các nơi khác nữa ở thành phố. Chầu chực, chờ đợi mãi cũng được vài cân thịt chẳng ra gì, nhiều mỡ, xương, bạc nhạc… Nhưng có được một ít thịt để ăn Tết, gói bánh chưng là may lắm rồi.

Nhà tôi hay nhờ một bác hàng xóm gói bánh chưng hộ, vì bác ấy gói khéo lắm, cái bánh chưng vuông chằn chặn, đẹp mắt. Vào lúc cuối buổi, khi không còn đủ gạo, thịt, đỗ làm một cái bánh lớn, bác gói riêng cho bọn trẻ một cái bánh nhỏ để trên nồi bánh để có thể vớt ra ăn trước được vì bánh nhỏ thì chóng rền.

Không hiểu sao ngày ấy không quá bận rộn mà hầu như nhà nào cũng đợi tận đến hôm ba mươi Tết mới gói bánh chưng. Có lẽ để trông nồi bánh đến đêm giao thừa luôn cho tiện và để xem có kiếm được thứ gì nữa không để chiếc bánh thêm ngon.

Để chuẩn bị củi nấu bánh, ba tôi đã chọn những khúc củi to chắc nịch để đun vì nghe nói củi đượm thì nấu bánh ngon hơn. Bánh chưng ngày ấy nhà nào cũng nấu bằng củi và thường luộc bánh hơn mười tiếng mới vớt, bánh lúc nào cũng rền và ngon, để cả tuần không bị lại gạo cứng đơ như bánh bây giờ.

Sáng mùng một Tết là ngày bọn trẻ vui nhất. Đêm ba mươi thì hoan hỉ với pháo nổ khắp nơi nơi nhưng không dám sang nhà hàng xóm bới pháo xịt vì sợ rông và bố mẹ không cho đi. Sáng mùng một sang nhà hàng xóm chúc Tết, sướng nhất là được mùng tuổi, sau đó là tranh thủ bới pháo xịt trong đống xác phảo đỏ lừ như hoa đào rụng ở góc sân. Tôi may mắn từ bé đã có một cái giọng to dõng dạc nên thường được bọn trẻ con hàng xóm bầu làm “trưởng đoàn” đi chúc tết. Cái câu tôi thường chúc là: “Năm mới, năm me, chúc chúc cô bác mạnh khoẻ, làm ăn tấn tới, gà vịt đầy vườn.” Cái nông trường rộng thế mà nhà nào chúng tôi cũng biết, tôi dẫn quân đi chúc tết gần như mọi nhà và thấy bọn trẻ con lanh lợi, lời chúc dõng  dạc, đâu ra đấy nên ở nhà nào cũng nhận được tiền mùng tuổi. Ngày ấy người ta không quá khắt khe chọn người xông nhà hoặc bọn trẻ con chúng tôi chả kiêng kị gì, gần như nhà nào cũng vào và thấy mấy đứa bé trai khoẻ mạnh xông nhà ai nấy đều phấn khởi.

Sau màn chúc Tết là chúng tôi đi chơi. Ngày đó toàn những trò chơi dân gian rất đơn gián: bịt mắt đập niêu, kéo co, chơi đu và bọn con trai thì chơi đánh đáo ăn tiền. Tôi đánh đáo thuộc loại kém tay nên có khi kiếm được vài đồng tiền mùng tuổi đến rát cả họng lại nướng sạch cho mấy ông anh lớn tuổi mà khôn ranh hơn.

Sau ngày mùng một, không khí Tết đã giảm đi nhiều lắm vì hồi đó nghèo khó, người ta hầu như chỉ mùng tuổi vào ngày mùng một, còn từ mùng hai thì coi như kém thiêng rồi, rất ít người mùng tuổi cho trẻ con nhưng được cái thức ăn ngon thì còn nhiều. Những ngày đó chúng tôi đánh chén cho đẫy bụng, quý nhất là miếng giò nạc vì có khỉ chỉ đến tết mới được ăn miếng giò vừa mịn vừa ngọt, và những hôm đó lỡ có mắc lỗi thì bố mẹ cũng không quát mắng to tiếng vì sợ rông cả năm.

Những ngày đó, sao thấy Tết nó háo hức và trang trọng đến thế, giờ thì tết đến thì lòng người cũng khá bình thản. Có lẽ sự lo ấm đủ đầy quanh năm, không phải đợi một dịp được ăn, được mặc thoả thuê mà giảm sự hồi hộp mong chờ.

Bao giờ lấy lại được cái không khí háo hức, hồi hộp cho Những Ngày Tết Xưa?

 

Nhà văn Uông Triều

NỔI BẬT TRANG CHỦ