• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết Đoan Ngọ - nét văn hóa độc đáo của người Việt

18/06/2018 11:18

(Cinet) - Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) từ lâu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống và có sức ảnh hưởng đến văn hóa của người Việt.

(Cinet) - Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) từ lâu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống và có sức ảnh hưởng đến văn hóa của người Việt.

Bánh ú tro cúng tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Ảnh: netnews.vn

Một phong tục hết sức tốt đẹp của người Việt

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hà Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan ngọ còn được gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa Năm). Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác. Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Còn về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương. Nhà nghiên cứu văn hóa  luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết.

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt.

Đây là một phong tục hết sức tốt đẹp của người Việt. Con rể đi lễ cha mẹ vợ còn có một cách gọi khác là đi sêu. Thường thì vào buổi sáng tết mùng 5/5, người con rể sẽ ăn mặc đẹp, bưng mâm lễ sang nhà bố mẹ vợ. Trên mâm bày xôi gà, hoa trái đầu mùa. Lễ sêu cũng có thể là đồ sống như gạo nếp, đậu xanh, dưa hấu, vịt gà hoặc ngỗng, chim trời… Đây cũng là dịp mà các học trò xưa đến lễ thầy dạy học của mình. Đồ lễ cũng tùy vào hoàn cảnh từng gia đình nhưng về cơ bản cũng có gạo nếp, đỗ xanh, vịt và các loại hoa trái đầu mùa.

Trong cuộc sống sôi động và bộn bề hiện nay, vậy mà Tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong xu thế phát triển của thời đại và mang nét đặc sắc riêng của người Việt Nam. Có thể nói đây là một hằng số trong đời sống văn hoá tâm linh của con dân nước Việt. Tổ chức tốt các ngày này, coi như chúng ta đã duy trì được cái không gian thiêng, nâng cao ý thức về cội nguồn và mãi mãi tự hào với nền văn hoá dân tộc.

Rượu nếp món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc. Ảnh: vtv.vn

Mỗi địa phương một nét văn hóa riêng độc đáo

Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng. Người Mường vùng Mường Khương có món đặc sản bánh khúc truyền thống rất ngon. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc (một chi của họ hoa Cúc), đậu xanh, hạt vừng (mè) rang. Gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn cùng rau khúc rồi nhào thành bột, làm thành bánh có bỏ nhân đậu xanh trộn vừng rang. Bánh được hấp hoặc rán.

Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác.

Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…

Người miền Bắc thường giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả… Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt. Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Ngày nay, du cuộc sống hiện đại phát triển, người Việt ta vẫn ăn Tết mùng 5 tháng 5, tuy một số phong tục đã mai một dần nhưng đây vẫn là một ngày tết được người Việt coi trọng với phong tục văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Một số loại hoa quả được lựa chọn cúng trong tết Đoan Ngọ. Ảnh: anninhthudo.vn

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ