(Tổ Quốc) - Đây là một trong những kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ mở rộng ngày 28/12.
Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc sắp đến, Thủ tướng cho biết vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
"Tinh thần là phải lo Tết cho nhân dân chứ không phải lo cho cán bộ cấp trên. Các doanh nghiệp, địa phương không phải đi biếu xén cấp trên"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Chính phủ
Để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, Thủ tướng nhìn nhận, không phải dễ dàng để đạt tăng trưởng 6,7-6,8%, thậm chí hơn 7% khi mà "mẫu số" năm 2018 đã khá lớn, quy mô nền kinh tế ngày càng tăng và bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đây là việc khó, do đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt những nội dung của Nghị quyết 01 và 02.
Thủ tướng quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể và đặc biệt cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện ở từng cấp, từng ngành. Sự quyết liệt đôn đốc là kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ. Ở đâu làm quyết liệt thì ở đó đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ tiếp tục giao việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM và các tỉnh có liên quan.
"Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác xin việc này việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi, anh cần phân cấp trao quyền mạnh mẽ. Còn anh làm sai, làm trái pháp luật thì chúng ta phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc", Thủ tướng nói.
Cho rằng năm 2018 đạt nhiều kỷ lục và toàn diện, bộ mặt đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện, nhưng Thủ tướng nêu rõ cũng cần nhìn nhận các tồn tại, bất cập "chứ không phải bệnh thành tích". Đó là sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, cần chủ động nghiên cứu, xử lý. Nhiều địa phương, nhiều ngành chậm thay đổi mô hình tăng trưởng. Các nguồn lực chưa được giải phóng để tạo điều kiện cho phát triển. Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, "đây là kinh tế-xã hội chứ không phải kinh tế 'trừ' xã hội". Còn tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt. "Đến xã, đến huyện xin giấy tờ có cần phong bì, phong bao không? Những câu hỏi nhức nhối như vậy của người dân chúng ta phải khắc phục".
Một số vấn đề xã hội khác như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, xã hội đen, tín dụng đen… là những vấn đề cần có biện pháp xử lý, trấn áp mạnh mẽ.
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, một số cơ quan Trung ương và không ít địa phương còn giải quyết công việc không nghiêm, còn chậm trễ, nhiều việc còn kéo dài để doanh nghiệp kêu ca…