Tết sớm với đồng bào Bru – Vân Kiều ở bản Dốc Mây
(Tổ Quốc) - Chia sẻ những khó khăn của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều ở bản Dốc Mây xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình) trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Báo điện tử Tổ Quốc phối hợp cùng các mạnh thường quân và chính quyền địa phương đã trao những phần quà ý nghĩa hỗ trợ đồng bào đón cái tết đầm ấm, no đủ và sum vầy bên gia đình…
Dốc Mây – nơi sinh sống của 25 hộ dân là đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều nằm ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình) tiếp giáp với biên giới 2 nước Việt- Lào. Nơi được biết đến là vùng xa xôi, hẻo lánh và tách biệt với bên ngoài. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khắn, họ đang phải đối diện với điều kiện không điện lưới, không đường, không nước và không y tế.
Ông Trần Văn Thái, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trường Sơn cho biết: Người dân bản Dốc Mây sống quây quần trên một diện tích nhỏ giữa hai dãy núi sừng sững, bên con suối nhỏ gập ghềnh đá thác. Năm 1947, khi Pháp xâm lược Việt Nam, các trận càn quét của lính lê dương đã giết hại nhiều người, nên các già làng đã ngồi lại và bàn việc đưa dân chạy vào rừng. Một nhánh đi về rừng phía tây Ngân Thủy (Lệ Thủy), một nhánh theo sông Long Đại lên vùng này và vùng Thượng Trạch (Bố Trạch), một nhánh đi xa hơn là sang Lào.
"Để đến với bản Dốc Mây, người dân phải đi bộ theo lối mòn giữa rừng già, họ phải vượt qua những quả đồi, những con dốc dựng đứng hay bước đi trên những tảng đá tai mèo, những lối mòn nhỏ ven suối… gần 15km. Vì là vùng tách biệt với bên ngoài nên hiện nay người dân Bản phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ từ đường đi, điện, nước sinh hoạt và về y tế"… ông Thái chia sẻ.
Với những hộ dân ở Dốc Mây, trước đây một số gia đình đã ngăn suối tích nước và mua máy phát điện về để tận dụng sức nước làm nguồn điện phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, sau đó được sự quan tâm của địa phương cùng các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ cho người dân ở bản công trình điện năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng vào ban đêm.
Trường học cũng đã được tổ chức Plan tại tỉnh Quảng Bình xây tặng cho người dân bản 2 phòng học khép kín, và ở đó là nơi giúp các em nhỏ được học cái chữ bởi các thầy giáo của trường Tiểu học Long Sơn (xã Trường Sơn – Quảng Ninh) thay nhau băng rừng vượt suối vào dạy học.
Từ những sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của người dân ở bản Dốc Mây đã có nhiều thay đổi, những tập tục đốt rừng làm nương rẫy đã không còn tồn tại. Thay vào đó bà con dân bản chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn và trồng ngô để sinh sống.
Để giao tiếp với bên ngoài, hàng ngày, hàng tuần bà con sẽ gùi những sản vật mình làm được băng rừng lội suối ra trung tâm xã để bán và mua những lương thực chính như gạo, muối… và những thức ăn như cá khô về nhà để cất ăn dần.
Anh Lê Hải, ở Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: "Được sự kết nối của Báo điện tử Tổ Quốc, mình mới biết đến bản Dốc Mây và đợt này anh em gom chút hàng gồm những đồ thiết yếu như gạo, nếp, mắm muối… tặng quà Tết cho bà con. Đến đây, bản thân em đã không thể tưởng tượng nổi những khó khăn, vất vả mà bà con ở đây phải gánh chịu. Đường đi quá xa mà bản thân em còn bước không nỗi trong lúc bà con họ phải gùi trên lưng hàng chục kg lương thực thực phẩm… Em cũng không thể tưởng tượng được cuộc sống của bà con thật là khó khăn và vất vả vô cùng như vậy".
Đại úy Lê Lý Hùng, Bí thư Chi đoàn Phòng PA 03 Công an tỉnh Quảng Bình tâm sự: "Mình đã nghe nhiều về cuộc sống khó khăn của bà con bản Dốc Mây, tuy nhiên khi tham gia chuyến đi tặng quà này mới biết bà con vất vả đến nhường nào. Thật không thể tưởng tượng được những gian khó mà bà con phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày. Sau chuyến đi này, anh em chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi và hỗ trợ giúp bà con để góp chút sức nhỏ của mình hỗ trợ bà con trong cuộc sống thiếu thốn đủ bề này"…