• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết trong quan niệm của người ưa xê dịch

Văn hoá 14/02/2018 14:00

(Tổ Quốc) - Một mùa xuân mới đang về trên đất Việt Nam với Tết là mốc thời gian đánh dấu đầu xuân và cũng là mở đầu cho một năm mới.

Trong suy nghĩ của người Việt từ xưa tới nay, Tết là hình ảnh của sự quây quần, đầm ấm, sum họp gia đình, là sự trở về với quê cha đất mẹ sau một năm dài làm ăn xa cách. Ngày Tết truyền thống là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng bề trên, cũng là dịp để những truyền thống văn hóa trong các gia đình được thể hiện và tiếp nối.

Nhưng Tết ngày nay cũng khác xưa nhiều lắm. Đó có lẽ là bởi lớp trẻ sinh sau tiếp nhận những văn hóa mới du nhập từ Tây phương khiến cho những quan niệm về Tết cổ truyền thay đổi ít nhiều.

Tết là xách ba lô và… đi

Không phải ngẫy nhiên mà chỉ vài tháng trước dịp Tết Nguyên đán, hàng loạt các hãng hàng không cũng như các công ty du lịch tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá rầm rộ cho du khách đi du lịch, nghỉ ngơi dịp Tết.

Ở những gia đình có ba, bốn thế hệ, mâu thuẫn giữa quan niệm Tết cho đến ngày hôm nay ít nhiều cũng đã được cải thiện, quan hệ giữa các thế hệ đã tích cực hơn khi trong suy nghĩ của các thế hệ trước tỏ ra ‘thoáng’ hơn, cởi mở hơn về nề nếp sinh hoạt của các gia đình trẻ.

Nhà báo Trương Anh Ngọc, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, trưởng cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Ý qua 2 nhiệm kỳ, là người thích đi du lịch và cũng là tác giả của nhiều cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình, cho biết, gia đình anh hầu như dịp Tết cổ truyền nào cũng tổ chức những chương trình du ngoạn. Có thể ở nhiều gia đình Việt Nam vào thời điểm giao thừa đang tề tựu sum vầy, còn gia đình anh thì chính lúc đó có thể đang trên xe đón thời khắc này ở một vùng đất xa lắc xa lơ nào đó- một cảm giác thật thú vị.

Nhà báo Trương Anh Ngọc nói rằng phần lớn thời gian vừa qua anh ở nước ngoài, bản thân anh cũng từng học nước ngoài nên tư tưởng cởi mở hơn, đón năm mới theo Tết tây. Gia đinh nhỏ ba thành viên của anh cũng là một điển  hình cho việc người trẻ thoát khỏi Tết truyền thống mà vẫn được những người thân trong gia đình chia sẻ, thấu hiểu.

Để chuẩn bị cho chuyến đi dịp Tết với gia đình nhỏ bé của mình, năm nào cũng vậy, anh Ngọc và gia đình thường sang nhà ngoại ăn một bữa, sang nhà nội ăn một bữa và một bữa ở nhà em trai, đến ngày 29 Tết cả nhà đi ăn cùng nhau, cùng chúc Tết và mua một cành đào mang về trang trí ngôi nhà của mình, thế là đã có không khí Tết trong gia đình. Anh bật mí, để giải quyết ngày Tết của đại gia đình nhanh gọn như vậy cũng là cả một quá trình giải thích, lý lẽ với bố mẹ và anh đã thành công khi thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho các con, cháu làm theo mong muốn của mỗi người, được tự lựa chọn làm những việc mình thích. Bởi khi nhìn những tấm ảnh của con cháu gửi về từ phương xa cho họ, thì các đấng sinh thành hiểu rằng, đó mới chính là hạnh phúc, là tình yêu mà mỗi người trong gia đình dành cho nhau. Nhờ vậy Tết không còn nặng nề như cách đây nhiều năm trước.

Và đó cũng là một quan niệm mới của những người trẻ: Tết 'đẹp' phải xuất phát từ ‘tâm’, từ những mong muốn chân thành nhất từ trái tim.

Mọi người quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện về Tết

Và Tết là để… ở nhà

Trở về những ngày Tết truyền thống, Tết dường như bắt đầu sau ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, khi các nhà sửa soạn mâm cơm, đồ lễ cúng Ông Công Ông Táo về chầu trời, mà thường những năm gần đây là lễ cúng tiễn kết thúc bằng việc hóa vàng, thả ba chú cá chép lửa để các Ngài lên đường về chầu Ngọc hoàng, báo cáo kết quả một năm của gia chủ.

Tiếp đến là bữa cúng tất niên tống tiễn năm cũ, tổng kết những việc đã làm được trong năm. Mâm cỗ cũng đầy đủ các món của ngày Tết và thông thường, các thế hệ trong gia đình sẽ tập họp, cùng nhau kết thúc năm cũ để chuẩn bị tâm thế thanh thản đón chào năm mới.  Trong những gia đình nặng về truyền thống, những ngày đầu năm mới, ngoài việc thăm hỏi chúc Tết họ hàng nội ngoại, gia đình người thân, bạn bè, đó cũng là dịp duy nhất trong năm mọi người gặp nhau với tinh thần vui tươi phấn khởi,  chúc nhau những điều may mắn, an lành, hạnh phúc.

Những khoảnh khắc Tết sum vầy đầm ấm như vậy rở nên quý giá hơn bao giờ hết với những người mà phần lớn thời gian trong năm họ phải dành cho việc xê dịch tới nhiều nơi khác nhau trong nước cũng như trên thế giới như chị Nguyễn Thị Nhung, một trong ba thành viên chủ chốt của tập đoàn Openasia ngay từ những ngày đầu thành lập, là một tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam với việc đầu tư đa ngành nghề với 6 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thời trang cao cấp, Thủ công mỹ nghệ, Hàng không, Công nghệ thông tin, Đầu tư tài chính và Nhà hàng- Khách sạn.

Chị Nhung chia sẻ, Tết là những ngày chị “được” ở nhà, để hưởng cảm giác đầm ấm gia đình, là dịp để trổ tài nấu nướng để được chồng con ‘khen’, được làm những điều mình thích, tìm thấy niềm vui trong công việc của mình, là thời gian mọi người trong gia đình chị được gần nhau hơn sau những chuỗi ngày làm việc vất vả. Đam mê đi, làm việc và công hiến hết mình cho sự nghiệp mà mình lựa chọn. Và những ngày Tết là những ngày chị trở về với hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam đảm đang, giỏi tề gia nội chợ.

Đến nhà người phụ nữ nhỏ nhắn mà nghị lực này dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn một điều là bạn sẽ được mời những món ăn thuần Việt mà chỉ Tết mới có, do chính tay chị làm. Phải chăng Tết hiện đại trong các gia đình truyền thống cũng đã đổi thay nhiều nhưng một điều bất biến: Tết là dịp để được hạnh phúc, để tận hưởng hạnh phúc, niềm vui mọi người trong gia đình mang đến cho nhau. Và Tết là đi để được trở về với gia đình của mình…

Minh Thư

NỔI BẬT TRANG CHỦ