• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết xưa - Tết nay và việc giữ lại Tết truyền thống từ các gia đình trẻ

Giáo dục 25/01/2020 09:04

(Tổ Quốc) - Bước vào năm mới Canh Tý, những ngày này, câu chuyện về Tết cổ truyền và những gì thuộc về giá trị ngày Tết lại được mọi người nhắc và bàn luận nhiều.

Tết luôn mang ý nghĩa là dịp mở đầu cho mùa xuân, cây cối đâm chồi, nảy lộc, mang đến những điều mới mẻ, hy vọng khởi đầu cho năm mới, những đổi mới, những thành công mới và kỳ vọng những thay đổi sẽ giúp cho cuộc sống được đầy đủ, tốt đẹp hơn cho cả năm tiếp sau. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay có một nghịch lý là những giá trị văn hóa truyền thống đang bị thay đổi và nhiều người vẫn hoài niệm, tiếc nuối về Tết xưa.

Những đổi thay và việc giáo dục các gia đình trẻ giữ lại ngày Tết truyền thống - Ảnh 1.

Tết trong hoài niệm

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Những hình ảnh về Tết vẫn thường hiển hiện đầu tiên trong câu đối truyền lại. Thường thì cuộc sống đủ đầy con người ta sẽ hay hoài niệm về những gì đói nghèo.

Khi thịt cá ê hề, mọi thứ dễ dàng có được thì lại nhớ về thời bao cấp, khi mọi thứ chỉ gói gọn trong vài suất tem phiếu. Mỗi dịp Tết là người người xếp hàng, nhà nhà chuẩn bị rộn ràng cho mấy ngày Tết.

Lo đầu tiên phải có nồi bánh chưng ăn tết. Nhà không lo nổi nồi bánh chưng là không gọi là ăn tết được. Thường thì 27-28 tháng Chạp các mẹ các chị đã phải sẵn sàng lá dong, lạt giang, nếp đỗ, thịt lợn để các ông bố- những người chủ gia đình gói bánh. Nhà đông con nên Tết rộn ràng cũng bởi chờ đợi bánh chưng chín là cả quãng thời gian dài nhất dịp Tết.

Tết phải có quần áo mới cho đám con cái nheo nhóc cả năm. Bà mẹ nào cũng lo cho mỗi đứa một bộ cánh đẹp để diện chơi Tết. Nhà giàu thì con cái không phải lo quần áo mới ngày tết chứ nhà nghèo, cái áo bông, chiếc quần đũi là cả nỗi lo lớn của bố mẹ. Nhưng kiểu gì giàu - nghèo cũng phải gặp nhau ở điểm "mới". Lũ trẻ cũng hãnh diện vì những bộ quần áo mới chúng được mặc trong dịp này.

"Không thể bỏ đi những gì đã thuộc về tâm linh, về tiềm thức, sự tôn kính đối với tổ tiên, sự sum họp gia đình ngày Tết…

Nhà giáo Bùi Kim Anh

Ngày Tết cũng phải có cành hoa đào, lọ lay ơn, thược dược kèm vi ô lét tím. Thêm chai rượu chanh, hộp mứt tết xanh đỏ với vài chục hạt trứng chim ngoài bọc bột đường trắng tinh, trong có hạt lạc bùi thơm ngậy, vài sợi mứt dừa, mứt bí, bánh vừng vòng hạt dưa đỏ… là đủ khay bánh kẹo, để sau những tràng pháo tung trời là cả nhà quây quần chúc Tết.

Không khí tết, sự nao nức của mọi người về Tết thấy rõ từ thành thị về chốn thôn quê, tới cả những vùng xa xôi hẻo lánh. Đường phố đông chuyển sang xuân hiện rõ niềm tin yêu, những chồi non xanh ấp ủ hy vọng cho một năm mới tốt lành.

Người Việt vốn trọng đời sống tâm linh, dịp này mọi người đều thể hiện tín ngưỡng, lễ nghi, sự thành kính đối với tiên tổ. Tết Nguyên đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt, là cái tết rất thuần Việt và xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp của người Việt nên tết này ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam.

Buôn bán, làm lụng vất vả quanh năm, Tết còn là dịp để mọi người về thăm quê quán, mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết. Đối với một nước 90% người dân là từ nông thôn thì Tết là dịp để mọi người về quê sum họp gia đình. Mỗi dịp Tết là mọi người từ khắp nơi, kể cả Việt kiều ở nước ngoài cũng tìm về quê hương để sum họp, đoàn viên cùng gia đình...

Tết của thời hiện đại

Sau rằm tháng Chạp là đường phố đã trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa đèn màu giăng mắc khắp nơi. Không khí tết ở Việt Nam giờ có lẽ đã thấy từ dịp Noel và Tết dương lịch. Ở các nước phương Tây, Noel và Tết dương là kỳ nghỉ lễ lớn quan trọng nhất trong năm, là dịp mọi người đón năm mới. Việt Nam giờ cũng có nhiều hoạt động trong dịp này, nhiều tỉnh thành cũng đã trang hoàng đường phố, tổ chức các điểm vui chơi nhưng cũng chỉ dừng lại ở các điểm công cộng và chưa thể bằng các nước bạn. Người Việt, đặc biệt là giới trẻ, cũng chỉ đi chơi chứ Tết dương lịch chưa trở thành một kỳ nghỉ chính với các hoạt động như các nước phương Tây làm.

Ngày Tết truyền thông nay cũng có nhiều thay đổi. Trong cảm nhận của nhà thơ, nhà giáo Bùi Kim Anh, một người mang những hoài niệm về Tết cổ truyền trong ký ức, là sự ngậm ngùi khi nói về Tết: "Giờ cuộc sống hiện đại hơn, mọi thứ sẵn có, chỉ cần ở nhà là có thể sắm sanh mọi thứ cho ngày Tết qua mạng, vất vả hơn một chút là ra siêu thị là đã có sẵn mọi thứ, không cần phải đi chợ ngày Tết. Mâm cơm ngày Tết cũng đầy đủ sáu món nhưng các món đã thay đổi phù hợp hơn với ẩm thực và khẩu vị mọi người chứ không bắt buộc phải có canh măng, bóng xào lòng gà, giò lụa, gà luộc, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… như Tết xưa mà tôi chuẩn bị cùng bố mẹ trong ngày Tết…"

Sự đầy đủ của cuộc sống, về vật chất khiến người ta dửng dưng trong ngày Tết. Rõ nhất là từ những đứa trẻ. Bọn nhỏ giờ không còn mấy hứng thú với bánh mứt kẹo, quần áo mới nữa.

Người trẻ hiện nay quan niệm thay đổi, bày sự sang trọng, khoe về vật chất, tài lộc, nhiều cái thuộc về tâm linh ngày Tết đang dần bị mất đi, bị thay bằng những gì thuộc về hình thức như cây trái to, mâm cao cỗ đầy…

Những đổi thay và việc giáo dục các gia đình trẻ giữ lại ngày Tết truyền thống - Ảnh 3.

Hay quan niệm về chuyện mừng tuổi đầu năm mới cũng đã thay đổi nhiều. Việc mừng tuổi không còn mang tính tượng trưng, lì xì tiền lẻ có giá trị thấp như trước đây mà giờ phải là những tờ giấy bạc có giá trị. Trẻ nhỏ đã có sự phân biệt về số tiền mừng tuổi, cả những đứa ít tuổi cũng đã có sự so sánh ít nhiều, cùng là các cháu nhưng khi ông bà mừng tuổi, đã có đứa vui mừng, có đứa xị mặt khi mở phong bao lì xì. Việc mừng tuổi đầu năm mang ý nghĩa vui vẻ, may mắn. Nhưng bọn trẻ thay đổi, những trẻ mà ông bà, người lớn mừng tuổi tỏ thái độ như vậy thực sự nguy hiểm bởi nó thể hiện ý nghĩa việc mừng tuổi đầu năm đã bị biến tướng và sự thay đổi này ảnh hưởng tới đạo đức xã hội, nhân cách con người…

Tết giờ mọi người không còn nặng nhẹ về sự sum vầy, đoàn viên nữa. Với những người trẻ, xu hướng đi du lịch dài ngày trong dịp Tết cổ truyền cũng đã len lỏi vào các gia đình. Họ không còn bó buộc vào việc thờ cúng và những công việc tại nhà trong ngày Tết mà hưởng thụ ngày Tết theo cách của riêng mình.

Tìm về "Linh hồn" của ngày Tết

Tết nay cũng có hoa đào, lay ơn, thược dược… nhưng những loại hoa quả ngoại cũng xuất hiện nhiều trong các gia đình. Có những chậu hoa giá trị hàng trăm triệu đồng, những lẵng quả ngoại cũng tầm vài triệu khiến nhiều người so sánh… rằng cuộc sống sao đổi thay quá.

Ngày Tết cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Trong khi người Việt đang có xu hướng đi du lịch ngày Tết thì trong dịp này lại ngày càng đông du khách nước ngoài đến trải nghiệm, thưởng thức Tết truyền thống của Việt Nam và họ đều có chung cảm nhận, đây là một dịp Tết rất ấm cúng và ý nghĩa…

Ngậm ngùi nhớ Tết xưa, nhưng nhà thơ Bùi Kim Anh cho rằng, cuộc sống là như vậy, luôn có sự tiếp nối, thay đổi và ngày Tết cổ truyền cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy vậy, đối với Tết Nguyên đán - Tết truyền thống của người dân Việt thì cần phải suy ngẫm xem nên thay đổi và phải giữ lại những gì về cốt lõi, là cội nguồn và là "linh hồn" của ngày Tết. Không thể bỏ đi những gì đã thuộc về tâm linh, về tiềm thức, sự tôn kính đối với tổ tiên, sự sum họp gia đình ngày Tết…

Giữ lại ngày Tết truyền thống phải từ gia đình, sau đó mới đến xã hội, đặc biệt phải chú trọng những gì du nhập vào Việt Nam, trong thế hệ trẻ và trung niên, đó là giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Đó cũng là việc phải làm trong thời đại toàn cầu hóa, để bạn bè thấy rõ những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Những đổi thay và việc giáo dục các gia đình trẻ giữ lại ngày Tết truyền thống - Ảnh 4.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ