• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thắc mắc của doanh nghiệp Singapore: Vì đâu Việt Nam có thể trở thành bàn đạp mở rộng thị trường Đông Nam Á?

Kinh tế 28/04/2020 07:28

(Tổ Quốc) - “Ông nghĩ sao về khả năng Việt Nam trở thành bàn đạp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường khu vực Đông Nam Á?”, Vitaliy Nechaev - Founder công ty Top 3 về công nghệ thực tế ảo (VR) tại Singapore - đặt câu hỏi cho Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam.

Tại tọa đàm trực tuyến "Startup cần làm gì để "sinh tồn" qua mùa dịch?" do Grab Ventures Ignite tổ chức mới đây, bên cạnh những gợi ý cho startup sinh tồn trong đại dịch virus corona chủng mới, câu chuyện dịch chuyển sang Việt Nam cũng được đưa ra bàn thảo.

"Ông nghĩ sao về khả năng Việt Nam trở thành bàn đạp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á? Các hỗ trợ về hạ tầng, pháp lý ở Việt Nam ra sao? Dịch chuyển sang Việt Nam là nhằm lập một căn cứ địa khu vực hay chỉ đơn thuần là phát triển dự án ở một quốc gia đơn lẻ?", ông Vitaliy Nechaev - Founder kiêm Giám đốc điều hành Vostok VR tại Singapore - đặt vấn đề.

Vitaliy là doanh nhân người Nga, cùng vợ chuyển đến Singapore từ năm 2012. Ông sáng lập Vostok VR và cho ra mắt tại Singapore vào tháng 6/2014. Hiện Vostok VR là công ty Top 3 về công nghệ thực tế ảo (VR) với danh mục nhiều khách hàng tên tuổi như Discovery Channel, Mediacorp, Uber, AirAsia, Marina Bay Sands, DBS Bank, OCBC Bank, Nestle, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore.

Trả lời thắc mắc của Founder Vostok VR, ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch & Đầu tư - nhận định: Việt Nam có trị trí chiến lược trong kết nối khu vực. Từ TPHCM, nếu di chuyển bằng đường hàng không, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ có thể đến các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở phía nam Trung Quốc - thị trường tiêu thụ khổng lồ với dân số hơn 1 tỷ người.

"Đất nước chúng tôi có nền kinh tế rất mở. Trước khi bạn cân nhắc việc coi Việt Nam như một bàn đạp mở rộng thị trường, rất nhiều doanh nghiệp tin rằng đất nước chúng tôi có quan hệ giao thương tốt với các thị trường quốc tế", ông Cương chia sẻ.

Thắc mắc của doanh nghiệp Singapore: Vì đâu Việt Nam có thể trở thành bàn đạp mở rộng thị trường Đông Nam Á? - Ảnh 1.

"Bên cạnh thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân, Việt Nam còn là "cửa ngõ" mở ra các thị trường trong khu vực" - ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia.

"Việt Nam có quan hệ giao thương tốt với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, Australia… Việt Nam cũng là một ví dụ rất tuyệt ở khu vực Đông Nam Á trong việc kết nối với khu vực ở quy mô lớn".

Về thị trường, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Bên cạnh thị trường nội địa tiềm năng, Việt Nam còn là "cửa ngõ" mở ra các thị trường trong khu vực.

Về độ mở kinh tế, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do lớn (1 hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực) và đang đàm phán 3 hiệp định thương mại tự do khác. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) - đã được Hội đồng Châu Âu phê duyệt, dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tới. FTA thế hệ mới này được coi như thời cơ "vàng" cho nền kinh tế Việt Nam, với việc xóa bỏ tới 99% dòng thuế sau 7 năm.

Thắc mắc của doanh nghiệp Singapore: Vì đâu Việt Nam có thể trở thành bàn đạp mở rộng thị trường Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do lớn (1 FTA sắp có hiệu lực) và đang đàm phán 3 FTA khác. Trong bảng trên, EFTA và RCEP đang trong quá trình đàm phán.

"Gia nhập thị trường Việt Nam, bạn không chỉ tiếp cận với hơn 600 triệu dân của khu vực Đông Nam Á, mà còn kết nối với 55 quốc gia - những đối tác đã ký FTA với Việt Nam. Chào mừng bạn đến đất nước chúng tôi!", Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nói.

Ở góc độ quỹ đầu tư khởi nghiệp, bà Vy Lê - Đối tác điều hành ESP Capital - bổ sung 2 ưu thế khi mở rộng thị trường tại Việt Nam. Theo bà, Việt Nam là căn cứ địa của các nhân tài công nghệ.

"Bạn có thể quy tụ một đội ngũ công nghệ cực hiệu suất tại Việt Nam nếu bạn dịch chuyển đến quốc gia này", Vy Lê cho biết.

Một ưu thế nữa của Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn cả về "lượng" lẫn "chất": Dân số gần 100 triệu người, độ tuổi trung bình 29, trong đó 60% người dân dưới 35 tuổi, cộng thêm tầng lớp trung lưu không ngừng phát triển.

Trong đại dịch Covid-19, mặc dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng Việt Nam lại là điểm sáng trong khu vực với hành động quyết liệt cũng như nỗ lực của Chính phủ khi phát động "kinh tế thời chiến". Chính phủ đưa ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế cả về tài khóa, tín dụng, đầu tư công và an sinh xã hội mà tổng giá trị các gói hỗ trợ này, theo tính toán của chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu - ở mức 550.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP Việt Nam.

Kết thúc Quý I/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 3,82% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) – gọi chỉ số tăng trưởng này là "tin mừng", khi mức tăng trưởng này tốt hơn so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ông Jacques nhìn nhận trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bảo vệ người dân khỏi khủng hoảng y tế, bảo vệ doanh nghiệp khỏi suy thoái kinh tế, và có một ngân sách dự phòng tốt.

Theo kịch bản cơ sở của World Bank, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức 4,9% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Thắc mắc của doanh nghiệp Singapore: Vì đâu Việt Nam có thể trở thành bàn đạp mở rộng thị trường Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Ánh Dương - Nhịp Sống Kinh Tế

NỔI BẬT TRANG CHỦ