• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thaco khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp

Kinh tế 21/02/2018 15:11

(Tổ Quốc) - Mục tiêu nhà máy đặt ra là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.

Sáng 21/2, tại Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải thuộc Khu KTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp Thaco.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết: Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp Thaco được đầu tư xây dựng từ tháng 01/2017, trên diện tích 12.500m2, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18HP – 120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO - TS16949. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp.

 Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp. Ảnh: Đức Hoàng

Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp Thaco được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn LS Mtron – là hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, có thị phần 40% ở Hàn Quốc, đã có nhà máy ở Brasil, Trung Quốc,… và cung cấp máy kéo cho trên 40 quốc gia. Theo đó, LS Mtron chuyển giao công nghệ sản xuất máy kéo và đào tạo cho kỹ sư THACO trong việc nội địa hóa các linh kiện máy kéo đạt hàm lượng giá trị khu vực (RVC) đến 50%.

Máy móc, thiết bị sản xuất do Thaco tự nghiên cứu chế tạo với sự tư vấn từ LS Mtron và nhập khẩu từ Hàn Quốc một số thiết bị thử nghiệm mà trong nước chưa sản xuất được như thiết bị kiểm tra tốc độ, lực nâng, trục trích công suất (PTO).

 Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18HP – 120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp.

Về quy trình sản xuất, các linh kiện nội địa hóa sẽ đượ sản xuất bởi các nhà máy công nghiệp hỗ trợ của Thaco và các nhà sản xuất trong nước; linh kiện CKD sẽ được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Máy kéo nông nghiệp sau khi lắp ráp hoàn thiện sẽ được được kiểm định trên dây chuyền hiện đại, bao gồm kiểm tra lực nâng, kiểm tra tốc độ và trục trích công suất (PTO).

Về thiết kế, nhà máy ứng dụng phần mềm NX Unigraphic 13.0 của tập đoàn Siemens (Đức), đầu tư bộ phần mềm thiết kế cơ khí và bộ phần mềm gia công CAM để nâng cao các giải pháp tối ưu hóa sản xuất các linh kiện nội địa hóa máy kéo. Bên cạnh đó, nhà máy còn đầu tư thêm máy tạo mẫu nhanh, máy scan 3D để phục vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), đảm bảo sản phẩm máy kéo có chất lượng và độ tin cậy cao.

 Các đại biểu tham quan nhà máy. Ảnh: Đức Hoàng

“Mục tiêu nhà máy đặt ra là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.

Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Ngoài ra nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thị trường trọng điểm xuất khẩu là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác LS Mtron (Hàn Quốc)”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Được biết, Nhà máy sẽ ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong nước; liên kết với các nhà sản xuất trong nước để sản xuất các linh kiện nội địa hóa; nhập khẩu các linh kiện chuyên dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được từ Hàn Quốc và các nước Asean.

 Nhà máy sẽ ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong nước; liên kết với các nhà sản xuất trong nước để sản xuất các linh kiện nội địa hóa...Ảnh: Đức Hoàng

Việc xây dựng nhà máy sản xuất máy nông nghiệp của Thaco sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt nam và ngành cơ khí chế tạo; nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang thể hiện vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Thông qua việc xây dựng nhà máy sẽ cho phép Thaco làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ sản xuất và nội địa hóa máy nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam.

“Nhà máy đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động khác trong chuỗi dự án công nghiệp hóa nông nghiệp của Thaco và các đơn vị sản xuất, kinh doanh có liên quan khác trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, vận chuyển, cơ khí, nhựa, cao su và các ngành công nghiệp khác; đồng thời thu hút các doanh nghiệp CN nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước đến đầu tư tại Khu KTM Chu Lai”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Đức Hoàng

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ