(Tổ Quốc) - Thái Bình cho phép các di tích lịch sử văn hóa hoạt động trở lại; Lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội giảm mạnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hóa luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm thực hiện là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
- 04.05.2020 Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh
- 04.05.2020 Hải Phòng: Tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5
- 04.05.2020 Kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)
Thái Bình: Ngày 4/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020; căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau cho đến khi có thông báo mới, bao gồm: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao tập trung đông người; Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
Cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch bao gồm: Rạp chiếu phim, cơ sở làm đẹp, xông hơi, massage; Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và điểm truy cập internet công cộng; phòng tập Gym, Aerobic, Yoga…; Đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các khu vui chơi, giải trí, các hoạt động kinh doanh lữ hành. Riêng hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hà Nội: Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch đến Thủ đô giảm mạnh.
Trong 4 ngày nghỉ lễ từ 30/4-3/5, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 28.473 lượt khách, giảm gần 92% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội đạt 1.473 lượt khách (giảm 97,2%) khách du lịch nội địa đạt khoảng 27.000 lượt khách (giảm 90,3%).
Tổng thu từ du lịch ước đạt 91 tỷ đồng, giảm 85,2%. Công suất sử dụng phòng bình quân của khối khách sạn 3-5 sao đạt khoảng 13,4%, giảm 56,6%.
Theo số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an thành phố Hà Nội, dịp nghỉ lễ năm nay, khách quốc tế đến Hà Nội từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi (chủ yếu là khách kẹt lại tại Hà Nội và khách di chuyển về Hà Nội từ các địa phương khác của Việt Nam).
Trong dịp này, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa tổ chức thực hiện tour cho khách du lịch.
Hiện tại, nhiều khu, điểm du lịch vẫn tạm dừng hoạt động, chưa đón khách như Chùa Hương, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Vườn thú Hà Nội, hệ thống các bảo tàng...
Một số khu, điểm du lịch đã mở cửa đón khách trở lại nhưng chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Nhà cổ 87 Mã Mây, phố sách Hà Nội, Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Vườn quốc gia Ba Vì và các khu du lịch tại Ba Vì (Tản Đà, Thiên Sơn-Suối Ngà, Khoang Xanh-Suối Tiên, Ao Vua), các điểm du lịch của thị xã Sơn Tây (Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (chỉ tiếp đón các đoàn thể chính trị, ngoại giao đến viếng có đăng ký trước với Ban Quản lý Lăng). Do đó, lượng khách đến với các khu, điểm du lịch giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.
Ninh Bình: Việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hóa luôn được Ninh Bình quan tâm thực hiện và là một trong những nội dung trọng tâm của việc triển khai Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh.
Trong 15 năm qua, Phong trào đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp mỗi gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn - minh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về xây dựng "Gia đình văn hóa", các địa phương đã bám sát tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa " để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò và vị trí của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Chất lượng cuộc sống của các gia đình ngày càng nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, tỉ lệ hộ có kinh tế khá, giàu ngày một tăng. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ở các địa phương ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng đều và giữ vững ở mức cao trong 10 năm trở lại đây.
Phong trào xây dựng "Khu dân cư văn hóa", xây dựng "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" được Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Phong trào được người dân tích cực tham gia thực hiện, tạo diện mạo mới trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.