(Tổ Quốc) - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, tỉnh Thái Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện Chỉ thị, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Cụ thể, về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác bài trừ, tiêu hủy các văn hóa phẩm độc hại theo tinh thần của Chỉ thị được các địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên và sâu rộng tới tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. Thực tế, trong nhiều năm gần đây việc lưu hành các sản phẩm văn hóa dưới dạng băng video hầu như không còn; dưới dạng đĩa hình (VCD, DVD) giảm rõ rệt, chủ yếu thường được phát hành trong các dịp lễ tết hoặc là sản phẩm của các tổ chức, cá nhân được các cơ quan chức năng thẩm định, loại bỏ các yếu tố không phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, không nhằm mục đích kinh doanh.
Trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân chỉ sản xuất và nhập khẩu những phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc có nội dung lành mạnh, chất lượng nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của các cơ sở, các đơn vị làm nhiệm vụ sản xuất, nhập khẩu; kiểm tra chặt chẽ việc lưu hành các phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc. UBND tỉnh nghiêm cấm việc lưu hành phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, tranh, ảnh có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực; tịch thu và tiêu huỷ các văn hoá phẩm có nội dung trên, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm.
Trong hoạt động của các cơ sở, tụ điểm văn hoá (nhà hát, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ, vũ trường, điểm karaoke...): Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thường xuyên tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện bảo đảm các nội dung văn hoá lành mạnh, có chất lượng; bảo đảm trật tự, vệ sinh, nếp sống văn hoá; không có hiện tượng lợi dụng các hoạt động văn hoá để truyền bá các văn hoá phẩm đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực, tổ chức trá hình các hoạt động mại dâm, ma tuý, đánh bạc, số đề.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.
Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa và các loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ: các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu phải có nội quy rõ ràng và cam kết không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội; xử lý nghiêm các chủ chứa, những kẻ môi giới mại dâm, tổ chức tiêm chích ma tuý, cờ bạc, kể cả những thủ đoạn trá hình; xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên Nhà nước, các cán bộ phụ trách các cơ sở của Nhà nước, của các lực lượng vũ trang, của các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động này.
Về công tác phối hợp liên ngành, tổ chức lực lượng trong xử lý vi phạm: Sau khi có Chỉ thị 814/CT-TTg, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo thành lập Đội kiểm tra liên ngành ở các cấp (thường gọi là Đội 814) do ngành VHTTDL chủ trì, tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2007, hoạt động của các Đội 814 rất có hiệu quả; những tồn tại, bất cập trong các lĩnh vực văn hóa xã hội giảm thiểu rõ rệt.
Nhìn chung, việc thực hiện Chỉ thị 814/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua tại tỉnh Thái Bình đã mang lại những tác động tích cực, hiệu quả, góp phần đẩy lùi các văn hóa phẩm độc hại, các hiện tượng xuống cấp trong đạo đức xã hội cũng như các hành vi vi phạm pháp luật, đem lại sự ổn định cho xã hội, xây dựng môi trường sống trong sạch, văn minh./.