• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

THÁI NGUYÊN – An toàn khu (ATK) Định Hóa

16/12/2015 17:07

(Cinet - DL) - An toàn khu Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên (nguồn internet)
(Cinet - DL) - An toàn khu Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

1. Di tích/Di sản:  An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên

2. Thời gian: Đây là nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ 1947 - 1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. 

3. Năm công nhận: Ngày 10/5/2012, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Quyết định Số 54/QĐ- TTg, theo đó quyết định xếp hạng An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên là Di tích Quốc gia Đặc biệt, cùng 12 di tích khác trên cả nước.

4. Địa hình/Vị trí: ATK Định Hóa là một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, nằm ở cực Bắc của tỉnh Thái Nguyên, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. An toàn khu Trung ương Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. 

Tỉnh Thái Nguyên trước đây là Bắc Thái, và được tái lập ngày 1/1/1997 khi tách ra thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Thái Nguyên có diện tích 3.562,82 km² phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, và phía nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội. Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trịkinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do là tỉnh trung du nên giao thông đường sông của tỉnh chủ yếu chỉ phát triển ở sông Cầu và sông Công đoạn cuối nguồn. Sông Cầu là con sông chính của tỉnh và gần như chia Thái Nguyên ra thành hai nửa bằng nhau theo chiều bắc nam. Ngoài ra Thái Nguyên còn có một số sông suối khác nhưng hầu hết đều là phụ lưu của sông Cầu

5. Thổ nhưỡng: Thái Nguyên không có nhiều hồ, và nổi bật trong đó là Hồ Núi Cốc, đây là hồ nhân tạo được hình thành do việc chặn dòng sông Công. Ngoài đập sông Cầu, Thái Nguyên còn xây dựng một hệ thống kênh đào nhân tạo dài 52 km ở phía đông nam của tỉnh với tên gọi là Sông Máng, nối liền sông Cầu với sông Thương để giúp việc giao thông đường thủy và dẫn nước vào đồng ruộng được dễ dàng. Tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… 

6. Khí hậu: Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhưng do đặc điểm địa hình nên khí hậu Thái Nguyên vào mùa đông được phân vùng rõ rệt. Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25°C; chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9 °C) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2 °C) là 13,7 °C. Khí hậu Thái Nguyên chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Nhìn chung khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

7. Dân cư: Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống. Cũng giống như phần lớn các tỉnh khác tại miền Bắc Việt Nam, Thái Nguyên có đại đa số cư dân "không tôn giáo". Theo Niên giám thống kê 2010, dân số tỉnh Thái Nguyên là 1.131.300 người. Tổng dân số đô thị là 293.600 người (25,95%) và tổng dân cư nông thôn là 837.700 người (74,05%). Dân cư Thái Nguyên phân bố không đều, vùng cao và vùng núi dân cư rất thưa thớt, trong khi đó ở thành thị và đồng bằng dân cư lại dày đặc. Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn, với 6 Trường Đại học, 11 trường Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 9 trung tâm dạy nghề, mỗi năm đào tạo được khoảng gần 100.000 lao động.

8. Tóm tắt nội dung:

Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, Thái Nguyên vinh dự được chọn làm an toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ATK Định Hóa ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 63 xã được công nhận là xã ATK trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với rất nhiều di tích lịch sử, trong đó riêng ATK Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, ghi đậm dấu ấn một thời của Chiến khu Việt Bắc anh hùng.
An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên (nguồn internet)


ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, mỗi tên bản, tên núi, tên sông ở nơi đây đều gắn liền với các hoạt động của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng trong việc chỉ đạo và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Bác trồng, phiến đá Bác thường nằm nghỉ trưa... ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên... về giảm tô và cải cách ruộng đất... Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy. Thật khó để hình dung, ở nơi xa xôi này, nơi mà hơn nửa thế kỷ sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, cách nửa quả đồi, mới thấy một ngôi nhà, lại là Thủ đô gió ngàn kháng chiến, nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng,… 

Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách... Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý. Sự khang trang, tôn nghiêm và quy củ của khu di tích hiện tại không khiến du khách và người hành hương khó hình dung về sự đơn sơ, thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến.

Bên cạnh các di tích chính như đồi Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom... cụm di tích ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử như: đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 -1945; rừng Mấn - nơi đặt trạm liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây; chùa Mai Sơn - nơi Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt nhà in đặc biệt, in báo Cờ giải phóng và nhiều tài liệu quan trọng; đình Kha Sơn - nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã... Tất cả những di tích lịch sử này đều đã được xếp hạng quốc gia.

Hàng năm, nhân dân, cán bộ từ mọi miền tổ quốc vẫn trở về đây, nơi đồng bào vẫn một lòng thủy chung son sắt, cùng ôn lại những kỷ niệm xúc động của một quá khứ hào hùng. Mỗi địa danh lịch sử và mỗi dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên đất Thái Nguyên đều có giá trị lịch sử to lớn, là tài sản vô giá của đất nước, của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Hệ thống di tích các cơ quan Trung ương, cơ quan của Bác, cơ quan Chính phủ, cơ quan Bộ tổng tư lệnh, Bộ Quốc phòng... trên đất Thái Nguyên luôn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc vùng ATK. Cả trong quá khứ và hiện tại, ATK Định Hóa luôn là địa chỉ đỏ để nhân dân cả nước “trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”...

Linh Thùy (tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo:


http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-ban/atk-dinh-hoa-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-198590-184.html

http://www.baomoi.com/ATK-Dinh-Hoa-don-nhan-Di-tich-quoc-gia-dac-biet/121/8499915.epi

http://baophapluat.vn/thong-diep-dau-nam/quotthu-doquot-gio-ngan-ngay-ay-bay-gio-140278.html

http://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/xay-dung-dinh-hoa-xung-tam-di-tich-cap-quoc-gia-dac-biet-209188-97.html

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Ve-tham-ATK-Dinh-Hoa-Tron-day-nhan-thuc-ve-long-yeu-nuoc-2-35882.html

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/60-nam-chien-thang-dien-bien-phu/atk-dinh-hoa-voi-chien-thang-dien-bien-phu/300487.html

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ