(Tổ Quốc) - Ngày 19/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị để bàn giải pháp thực hiện Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc.
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủy lợi và các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp như: Khi thực hiện dự án cần đưa ra các yếu tố tiêu chuẩn quan trắc; việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập chưa đề cập rõ hình thức, vị trí khoan phụt; phải đưa ra phương án phá 1 trong 7 đập phụ để giữ đập chính trong trường hợp thiên tai xảy ra; cần có phương án phòng chống lũ lụt, di dân, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du...
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các đơn vị chức năng ưu tiên xử lý gia cố sớm, bóc tấm bê tông ở mái hạ lưu đập và thực hiện khoan phụt thân đập theo phương án của đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu để bổ sung vào các giải pháp cụ thể, hoàn thiện hồ sơ cho Hội đồng thẩm định duyệt.
Về phía Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh, cần xây dựng phương án, bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du trong quá trình thi công sửa chữa thân đập chính, đề phòng lượng nước lớn làm vỡ đập.
Ông Đoàn Văn Tuấn cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định, xem xét các giải pháp thực hiện Dự án; còn Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định quy trình thực hiện dự án khẩn cấp, cân đối nguồn vốn và tham mưu văn bản để UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du.
Theo thiết kế, Hồ Núi Cốc thực hiện nhiệm vụ cấp nước tưới cho 12.000ha đất nông nghiệp, phòng lũ, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản và cải thiện môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47,67 tỷ đồng với các hạng mục như: Khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập; làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập; sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập; sửa chữa mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng; khôi phục thiết bị quan trắc thấm và lắp đặt thiết bị đo mưa./.