Thăm căn nhà nhỏ ven sông Hồng- nơi đón Bác Hồ về từ Chiến khu Việt Bắc
Thực hiện: Nam Nguyễn | 26/08/2022
(Tổ Quốc) - Căn nhà nhỏ nằm trong con ngõ 319 phố An Dương Vương (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho Ngày Quốc Khánh 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã 77 năm trôi qua, nhưng những dấu ấn, câu chuyện xúc động về Người vẫn được các thế hệ nơi đây trân trọng, gìn giữ.
Những ngày cuối tháng 8, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc tìm về nhà cụ Nguyễn Thị An để lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ trong thời gian Người dừng chân tại đây.
Trong căn phòng chứa đựng nhiều kỷ vật, bức ảnh kỷ niệm, tài liệu quý giá năm xưa, ông Công Ngọc Dũng (chắt nội của cụ Nguyễn Thị An) nhiệt thành kể về những câu chuyện năm xưa.
Theo ông Dũng chia sẻ, căn nhà nhỏ nằm ven sông Hồng của cụ Nguyễn Thị An là nơi thường xuyên tiếp nhiều đoàn khách, cán bộ cách mạng năm xưa. Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ở ngoại thành Hà Nội nên đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ - đã chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ trong 3 ngày Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1941 đến năm 1945, căn nhà do cụ Nguyễn Thị An đã trở thành “địa chỉ đỏ” hoạt động bí mật, an toàn, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng.
Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23 đến 25/8/1945. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã làm việc với các cán bộ cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1931, với năm gian bằng gạch, lợp ngói. Phía trước nhà có bốn chữ Hán "Minh nguyệt thanh phong" (trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành" (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông).
Bể nước nơi góc sân mà Bác Hồ đã từng sử dụng và từng viên gạch lát mang dấu chân Người đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Trong văn hóa Bắc bộ, gian giữa được cho là nơi quan trọng nhất của một căn nhà. Gia đình ông Dũng đã dùng gian giữa để đặt trang nghiêm, tôn kính ảnh Bác cùng dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Những ngày này rất nhiều đoàn lãnh đạo về thăm cũng như dâng hương dâng hoa tại đây.
Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Hồ Chủ tịch tại đây, ngôi nhà được công nhận là "Nhà lưu niệm Bác Hồ" và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An - người trông coi ngôi nhà hơn 30 năm nay, cho biết "nhớ rõ những câu chuyện bố kể lại". Năm 1945, khi đoàn công tác hơn 10 người từ chiến khu Việt Bắc trở về, dừng chân ở ngôi nhà này. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi làm việc tại bộ tràng kỷ, tối ngủ ở sập.
"Những ngày ở và làm việc tại nhà này, Bác gầy yếu, không ăn được cơm mà phải ăn cháo. Khi đó, cụ Nguyễn Thị An là người trực tiếp nấu cháo cho Bác và nấu cơm cho đoàn cán bộ", ông Dũng kể. Trong ảnh: Chiếc gương và chậu nước rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khi nghỉ lại ngôi nhà.
Máy chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đặt lưu niệm tại căn nhà.
Vali mây của Hồ Chủ tịch mang về từ Chiến khu Việt Bắc.
Sau những ngày ở và làm việc năm 1945, đến ngày 24/11/1946, giữ lời hẹn, Hồ Chủ tịch về thăm nhà bà Nguyễn Thị An lần thứ hai. Đó là những ngày quân Pháp bắn phá nhiều nơi ở Hà Nội, Hải Phòng và cả nước đang gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc.
Ngôi nhà hiện có hai phòng hơn 10 m2 dùng trưng bày nhiều bức ảnh về Hồ Chủ tịch, cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, cùng kỷ niệm của gia đình trong những năm tháng lịch sử.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1956, vợ ông Công Ngọc Dũng), tại ngôi nhà này, gia đình bà may mắn được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội về thăm như: Đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Võ Nguyên Giáp...
Do đó trách nhiệm trông coi ngôi nhà đến bây giờ, không chỉ có thế hệ trước mà cả các con, cháu trong gia đình hiện tại. Hiện gia đình bà vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, chọn ngày 23.8 hằng năm là ngày đoàn tụ. Bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu về những kỷ niệm trong ngôi nhà vinh dự có 3 ngày được Bác Hồ ghé thăm năm 1945.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.
Bày tỏ cảm xúc khi địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc được công nhận di tích lịch sử quốc gia, ông Công Ngọc Dũng cho biết: Đây không chỉ là niềm vui và niềm tự hào của chính bản thân ông mà còn là niềm tự hào của nhiều người dân địa phương. Việc công nhận di tích cấp quốc gia đối với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đúng giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà.
Những ngày này người dân phường Phú Thượng thường hay tới ngôi nhà đặc biệt này để dâng hương tưởng nhớ đến Bác Hồ.
Căn nhà nhỏ nằm trong đê An Dương Vương này không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình ông Dũng, mà cũng là niềm vinh dự chung của bà con thôn Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.