(Tổ Quốc) - Con phố mang một cái tên rất đặc biệt – Phố 8/3 dài 500m nối từ phố Kim Ngưu (bờ tây sông) đến phố Quỳnh Mai, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Được hình thành từ khu tập thể nhà máy Dệt 8-3, phố 8-3 được đặt tên vào tháng 7/2000. Năm 1960, nhà máy Dệt 8-3 chính thức bắt đầu xây dựng và ngày 8/3/1965, nhà máy được cắt băng khánh thành để chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Kể từ khi thành lập và trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà máy Dệt 8/3 luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, cung ứng cho tiền tuyến, đồng thời làm tốt công tác hậu phương, vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Nhưng bước vào những năm kinh tế thị trường, Nhà máy Dệt 8-3 phải đối mặt với thị trường cạnh tranh...
Hàng ngày, trên con phố mùng 8-3 là dòng người tấp nập đi lại, bên cạnh đó cũng có những con ngõ nhỏ yên bình và sâu lắng. Buổi sáng, ghé thăm con phố đặc biệt này, người ta sẽ bắt gặp khung cảnh họp chợ đông vui, điều này càng khiến con phố nhộn nhịp hơn.
Phố 8-3 có chiều dài khoảng 500m, chạy từ bờ tây sông Kim Ngưu đến phố Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng
Hai bên phố có nhiều ngõ nhỏ, bao quanh là các khu tập thể Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng
Giữa lòng con phố nhỏ nhưng cảnh người mua người bán đông đúc, tất bật. Nhiều người phụ nữ ở đây từng là công nhân nhà máy Dệt ngày xưa
Ngoài những con ngõ nhỏ, các khu nhà tập thể lâu năm, ngày nay con phố cũng phát triển và thay đổi với nhiều căn nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại
Những thế hệ công nhân đầu tiên của nhà máy Dệt 8-3 phần lớn là nữ giới nhưng họ là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến chống Mỹ cứu nước
Bây giờ những cô gái nhà máy Dệt năm xưa tóc đã ngả màu
Với những ai từng là công nhân nhà máy Dệt 8-3 chắc chắn sẽ luôn nhớ về những ngày làm việc tại nhà máy và tự hào hơn khi được sống ở khu phố mang tên 8-3 này
Đến thăm Phố 8-3, người ta luôn cảm nhận được một nhịp sống rất đỗi thanh bình.