Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Sở VHTT thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án cải tạo, nâng cấp Nhà truyền thống của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tu bổ, tôn tạo di tích đình Thanh Ấm, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội.
Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Dự án cải tạo, nâng cấp Nhà truyền thống của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tu bổ, tôn tạo di tích đình Thanh Ấm, nội dung: tu bổ đình Thanh Ấm (Tiền tế, Hậu cung), tôn tạo xây dựng Nghi môn tứ trụ; tôn tạo xây dựng Nhà truyền thống Hội Chữ thập đỏ, nhà bia, nhà vệ sinh; xây dựng tường bao, sân đường và hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, đối với việc tu bổ đình Thanh Ấm, Bộ VHTTDL lưu ý, trong quá trình lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, Sở VHTT Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan liên quan bổ sung các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo quản, tái sử dụng tối đa cấu kiện gốc của đình; hệ thống chân tảng cần được thống kê, phân loại đế giữ lại và làm mẫu phục chế; điều chỉnh kìm mái thành trụ mái cho phù hợp với tường hồi bít đốc.
Ảnh minh họa - Nguồn: kientruccoxua.com
|
Đối với nhà bia, cần nghiên cứu giảm chiều cao nhà để tránh lấn át đình Thanh Ấm; nội dung chữ viết hoặc ký tự, họa tiết trang trí trên bia cần được thể hiện chi tiết để thẩm định trong các bước tiếp theo. Ngoài ra, cần bổ sung giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc nâng nền khu vực di tích không ảnh hưởng đến khu vực lân cận.
Bộ VHTTDL có ý kiến để Sở VHTT thành phố Hà Nội hướng dẫn các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Được biết, đình Thanh Ấm được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, đình thờ Thành hoàng làng là Minh Phúc Đại vương - một vị tướng có công lớn giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đặc biệt, đình Thanh Ấm còn là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam (nay là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) lần thứ nhất ngày 23-11-1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức thành lập. Tháng 11-1995, đình được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Thủy Bích