(Tổ Quốc) - Các em học sinh được đưa các đoạn trích kịch lên sân khấu, tự mình trở thành diễn viên, đạo diễn,...
Nhân văn là môn học thú vị trong chương trình Quốc tế bậc Trung học (THCS và THPT) của trường Phổ thông Liên cấp Dewey. Đây là môn học được nhà trường hợp tác với trường đối tác Mount Vernon. Các em sẽ được tìm hiểu về các vấn đề xã hội, các tiểu thuyết nổi tiếng phản ánh tính xã hội. Chương trình học hoàn toàn bằng Tiếng Anh, mục tiêu hướng đến quốc tế nhưng vẫn dẫn dắt đến các vấn đề ở Việt Nam.
Khác với kiểu giảng bài truyền thống, thầy giảng - học sinh nghe và ghi chép, môn Nhân văn tại Dewey được giảng dạy theo mô hình: Thầy cô giáo trình bày về nội dung, mục tiêu buổi học. Sau đó, học sinh tự thảo luận. Từ đó các em có khả năng chia sẻ và dạy được cho các bạn khác. Nhờ cách thức này, học sinh có thể lưu giữ kiến thức đến 90%.
Không chỉ vậy, các em học sinh còn được đưa các đoạn trích lên sân khấu, tự mình trở thành diễn viên, đạo diễn,...
Buổi diễn kịch đầy thú vị của các em học sinh Dewey
Tôi (PV) có dịp sang Dewey tham dự một tiết học Nhân văn của học sinh khối 9. Hôm nay là ngày các em trình diễn 3 vở kịch nổi tiếng: Sadako, Where the red fern grows và Breathe. Hai lớp học được chia thành 4 nhóm và riêng vở Sadako sẽ có 2 đoạn trích được đưa lên sân khấu.
Khi tôi bước vào nhà hát của Dewey, không khí chuẩn bị vô cùng sôi nổi. Nhóm diễn trước rục rịch lên sân khấu kiểm tra lại ánh sáng, hình ảnh, đầu tóc, trang phục của diễn viên. Còn nhóm chưa diễn thì ngồi nhẩm lại kịch bản.
Cô Trang, giáo viên của trường bật mí với tôi: "Đây là lần đóng kịch đầu tiên trong năm học này. Thường sẽ có 4 lần các em lên sân khấu. Ở Dewey, thầy cô sẽ đóng vai trò là người quan sát, hướng dẫn, còn học sinh chủ động, tìm tòi học tập. Như việc đóng kịch này, các em sẽ tự chia việc với nhau. Ai bốc thăm viết kịch bản, ai phụ trách phần đạo cụ (điều chỉnh ánh sáng, âm thanh), ai làm diễn viên,... Sau cùng, thầy giáo sẽ đánh giá phần trình diễn, chuẩn bị của các em. Tất nhiên trong quá trình các em chuẩn bị, nếu có khó khăn thì thầy cô sẽ ra tay hỗ trợ".
Khi tôi và cô Trang vừa thủ thỉ xong thì tiếng nhạc cùng lúc vang lên, chào đón nhóm 1 lên sân khấu với trích đoạn trong Where the red fern grows. Các em diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Dàn diễn viên không chuyên bắt nhịp sân khấu khá tốt khi thể hiện ra được những cung bậc cảm xúc của nhân vật, từ buồn bã, đến mừng rỡ. Có đoạn, em nam chính khiến tôi khá bất ngờ và cũng phì cười vì quá nhập tâm vào vai diễn, không ngại lăn xả lúc thì ngồi bệt, lúc thì ngã khụy đến "bộp" một cái ra sàn.
Chẳng biết có đau đầu gối hay không, chỉ thấy là chàng nam diễn viên chính vẫn hăng say đọc lời thoại với ánh mắt hừng hực. Rõ là không chuyên, nhưng cũng rất chuyên nghiệp!
Các nhóm khác cũng gây ấn tượng cho tôi không kém, khi có sự cố gắng chuẩn bị chỉn chu về mặt hình ảnh, âm thanh. Dù đôi lúc sự chuẩn bị khá hài hước vì kinh phí có hạn. Chẳng hạn với cảnh hoa đào rơi trong đoạn trích vở Sadako của nhóm 4, sẽ có 1 em lén nấp sau cánh gà, ném những mẩu giấy nhỏ lên sân khấu. Phía bên trên, nhóm phụ trách âm thanh, ánh sáng sẽ phát một đoạn nhạc thật lãng mạn cho phù hợp với tâm trạng nhân vật.
Hay với cảnh nhân vật ngồi xe lăn, chiếc ghế xoay văn phòng sẽ được thay thế. Nhìn cậu học sinh hì hục đẩy bạn ra sân khấu diễn trông đến hài hước! Một cảnh khác, dàn diễn viên của vở Breathe bước ra với khẩu súng làm từ bìa cát-tông, trông hơi xộc xệch nhưng cũng tỉ mỉ các chi tiết ở đầu súng và báng súng.
4 vở kịch khép lại với những tràng vỗ tay của thầy cô. Sau khi nghe nhận xét về phần trình diễn trên sâu khấu, chuẩn bị đạo cụ,... các nhóm ở lại nhà hát một lúc để dọn dẹp. Có vẻ các diễn viên nhí vẫn chưa thoát vai khi liên tục trò chuyện với nhau về màn trình diễn trên sân khấu vừa rồi của nhóm mình.
Tôi cũng "túm" được cậu học trò Lê Minh Hoàng, đảm nhận vai nam chính của trích đoạn trong vở Breathe để hỏi đôi ba điều. "Nam diễn viên" hồ hởi chia sẻ: "Bối cảnh vở kịch của chúng em nói về tương lai, khi con người vừa trải qua thảm kịch tận thế, chỉ còn rất ít người sống sót. Chính phủ sau đó áp dụng những chính sách tàn bạo để quản lý những cư dân này".
Minh Hoàng cho biết, khi học trên lớp, em thấy vở kịch hay nhưng khi được tự mình diễn trên sân khấu mới cảm nhận hết cái kịch tính, sự giằng co tâm lý của nhân vật. Quá trình thống nhất, tóm tắt kịch bản diễn cũng khiến Hoàng hiểu rõ hơn về vở kịch mình được học. Em đánh giá môn học thú vị, mang lại nhiều cảm hứng.
Giống như các bạn học sinh khác, Hoàng tràn đầy sự háo hức, mong chờ đến buổi biểu diễn tiếp theo...