(Tổ Quốc) - Không chỉ có lịch sử hơn 100 năm, Từ đường của cụ Nguyễn Khuyến còn là nơi chứng kiến những thăng trầm, lưu giữ những kỷ vật gắn với cuộc đời nhà thơ.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Cụ sinh ở quê mẹ tại làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, lớn lên, cụ lại sống chủ yếu ở quê cha, tức làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo. Năm 1864, cụ đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Ðịnh. Năm 1871, cụ đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi Ðình đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi cụ là "Tam nguyên Yên Ðổ" (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ).
Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 15km về phía đông nam, theo hướng quốc lộ 21A, khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam. Năm 1991, khu Từ đường này được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Lối vào nhà cụ Nguyễn Khuyến phải đi qua con đường mà một bên là đền và một bên là chùa, giống như câu thơ mà cụ đã từng viết trong bài "Cảnh trong nhà": "Bên thần, bên phật, giữa thời ta".
Cổng vào nhà Tam Nguyên Yên Đổ đề ba chữ nho "Môn Tử Môn". Đây là một lời răn dạy của cụ về nghĩa thầy - trò. Trước khi vào nhà thầy, cho dù là quan lớn hay thứ dân, làm chức vụ gì thì đều phải tuân thủ đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.
Khu nhà cụ Nguyễn Khuyến được xây dựng theo lối kiến trúc: bên ngoài là nhà đại tế, trong là hậu cung.
Nhà đại tế bên ngoài gồm 7 gian, được xây gạch, lợp ngói và có 4 hàng cột. Khu hậu cung phía sau gồm 5 gian, được dựng bằng gỗ, mang đậm kiến trúc cột chèo truyền thống Bắc Bộ. Hiện đây là nơi thờ cụ Nguyễn Khuyến.
Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1941), hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến là người trông coi căn nhà. Ông cũng là hướng dẫn viên mỗi khi có đoàn khách tới thăm, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 2004, gian nhà đại tế đã được nhà nước tu sửa lại. Ban đầu nhà có lưỡng long chầu nguyệt và 9 bậc thềm nhưng từ khi được tôn tạo lại, gian nhà này chỉ còn lại 3 bậc thềm.
Vào mỗi mùa thi, sĩ tử từ khắp nơi trên cả nước lại tụ họp về đây dâng hương kính cụ. Ai cũng mong cho thi cử, công danh đỗ đạt, sự nghiệp vẹn toàn.
Hiện nay, gian hậu cung còn lưu giữ và trưng bày một số tranh ảnh của cụ Nguyễn Khuyến trong kỳ thi ghi danh năm xưa. Bên cạnh đó, còn có bức tượng đá tạc hình nhà thơ tay chống gậy trúc, dáng đứng thư thái ngắm cảnh non xanh nước biếc.
Trên ban thờ cụ là bát hương - một cổ vật do vua nhà Mạc ban cho tổ đời thứ 10 của Nguyễn Khuyến. Đây là vật quý giá, luôn được thế hệ sau cẩn thận giữ gìn.
Về thăm nơi đây, chúng ta dường như thấy được "ngõ trúc quanh co" mà nhà thơ đã từng khắc họa trong bài Thu Điếu.
Trước nhà cụ Nguyễn Khuyến là "ao thu" bốn mùa tỏa ngát hương sen, tạo nên khung cảnh thanh bình giữa chốn làng quê.
Phía trong vườn còn lưu giữ một bia đá khắc bài "Thu Điếu" bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và tiếng Anh do Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển - Việt Nam tài trợ.
Trải qua hơn một thế kỷ, những gì cụ để lại cho hậu thế giờ đây đã trở thành di sản văn hóa. Hiện nay, kho tàng thơ ca của cụ có khoảng hơn 400 bài: gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm. Hầu hết các tác phẩm đều được làm sau lúc cụ từ quan về quê ở ẩn.