(Tổ Quốc) -“Nhiều vụ án ngàn tỷ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tài sản thu hồi lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát?”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.
Hàng nghìn tỷ đã đi đâu?
Thảo luận về báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) nhận định, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ năm 2016 tiếp tục đánh giá tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến và tính chất nghiêm trọng. Điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh: "Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình" (Nguồn: Infonet) |
Đại biểu Sinh nhấn mạnh, tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
“Đặc biệt, tham nhũng làm tha hoá nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là 1 mắt xích. Nhiều dự án đầu tư hàng ngàn tỷ phải chịu cảnh đắp chiếu của các doanh nghiệp nhà nước vẫn cho là đầu tàu kinh tế như Đạm Ninh Bình, Sơ sợi Đình Vũ, thép Thái Nguyên... Đầu tư rất đúng quy trình, nhưng nguyên nhân đắp chiếu thì giải thích rất đơn giản: Do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, do nguyên liệu không phù hợp với công nghệ...”, ông Sinh nói.
“Phải chăng đó là do trình độ quản lý yếu kém? Nay sẽ rút kinh nghiệm. Nhiều vụ án ngàn tỷ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tuy vậy, tài sản thu hồi lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Vậy hàng nghìn tỷ đã đi đâu? Được dùng vào việc gì? Ai đã nhận nó... Câu hỏi này – người dân vẫn đang chờ trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao mà thu hồi được? Làm sao mà diệt được tham nhũng tận gốc?”
Bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ bởi Báo cáo đã mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế đó trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, song đại biểu Sinh nhấn mạnh, Chính phủ cần phải nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục những hạn chế đó trong thời gian tới.
Phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đại biểu đoàn Hoà Bình dẫn lời các chuyên gia cho rằng, để làm tốt công tác phòng tác phòng chống tham nhũng mà chỉ dựa vào quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì chưa đủ, vì đó chỉ là giải quyết phần ngọn nên không hiệu quả.
Thêm vào đó, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt Bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng...
Về chứng minh tài sản, đại biểu Sinh cho rằng, cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình. Nếu không chứng minh được thì phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có.
“Không thể giải thích qua quýt là của ông anh bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong chuyện...Mọi công nhân viên chức phải chịu sự kiểm soát của nhà nước về tài sản của mình, và không coi đó là quyền bí mật cá nhân đời tư”, ông Sinh nói.
Cùng với đó, để góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, ông Sinh cho rằng, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát các quy định, quy trình về quản lý cán bộ, quản lý sử dụng ngân sách, quản lý tài sản công, đầu tư công, thủ tục cấp phép và các thủ tục hành chính khác.
“Đó là những mảnh đất màu mỡ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. Ngoài ra, phải phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng. Cuộc chiến với tội phạm tham nhũng không thể thành công nếu không có sự tham gia của nhân dân. Vì thế, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể nhân dân, coi trọng thanh tra, kiểm tra, điều tra thoả đáng các kiến nghị của nhân dân về tham nhũng. Có cơ chế để nhân dân được thu thập chứng cứ đấu tranh chống tham nhũng, có chính sách bảo vệ hữu hiệu người đấu tranh chống tham nhũng, không để xảy ra trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích đấu tranh chống tham nhũng nhưng sau đó lại trở thành tội phạm”, đại biểu Sinh chia sẻ quan điểm.
Cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, tình trạng tham nhũng đang khiến cử tri và nhân dân vô cùng bức xúc. Theo ông, cứ càng vụ án sau mức độ tham nhũng càng lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn, thu hồi tài sản tham nhũng thì đạt tỷ lệ thấp...
Đại biểu Tiến cho rằng, tính nghiêm minh trong xử lý các vụ tham nhũng chưa cao. Vì thế, cán bộ, đảng viên, nhân dân còn thiếu niềm tin vào công tác phòng chống tham nhũng ở một số cơ quan chức năng của địa phương. Đại biểu này kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý công khai, kiểm soát quyền lực, loại bỏ cơ chế xin – cho, nhất là ở lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản, công tác tổ chức cán bộ... để khắc phục, ngăn chặn tham nhũng.
“Tại kỳ họp này, cử tri gửi tới tâm tư là đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Tham nhũng chính từ ta, từ đồng chí, đồng đội của ta nhưng một khi ta hay đồng đội tham nhũng thì pháp luật và tổ chức phải xử lý cứng rắn”, đại biểu Tiến nhấn mạnh./.
Hà Giang