• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham nhũng từ những chuyến công du

Thời sự 25/06/2018 09:09

(Tổ Quốc) -Lạm dụng các chuyến công tác nước ngoài, ngân sách Nhà nước bị lãng phí là một thực tế. Đó cũng là một hình thức tham nhũng, gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà tổn hại về cả uy tín của Đảng, Nhà nước

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016 khiến dư luận lo ngại. Trong đó đáng chú ý thông tin, gần 42.000 lượt cán bộ của Bộ Tài chính, Công Thương...đã xuất ngoại trong 4 năm (từ 2012 đến 2016) với khoản ngân sách lên đến 1.004 tỷ đồng”.

Chỉ riêng Bộ Công Thương trong giai đoạn này đã cử hơn 7.500 đoàn với khoảng 24.800 lượt cán bộ xuất ngoại. Trong đó, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chỉ trong một năm (năm 2015) đi nước ngoài 163 ngày.

Tình trạng này được diễn ra phổ biến ở cả 6 tỉnh thành nằm trong diện kiểm tra, giai đoạn 2012-2016, gồm Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang.

Trong số các đoàn công tác tỉnh xuất ngoại theo diện học tập, đào tạo, xúc tiến đầu tư… đa số được xác định là du lịch, thăm người thân, hoặc nghỉ không lương.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là, trong giai đoạn 2012-2016, theo Thanh tra Chính phủ, đã không có bộ, ngành, địa phương nào theo dõi, tổng hợp số liệu tài chính ngoài ngân sách chi trả cho các đoàn ra.

 Kinh phí, số cán bộ đi công tác nước ngoài trong 5 năm của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (nguồn ảnh: Dân trí)

Câu chuyện giới chức tận dụng các chuyến công du để đi chơi, thăm thân… đã bị lên án từ lâu. Hẳn bạn đọc vẫn còn nhớ những câu chuyện mà báo chí từng phản ánh một số tỉnh, thành như Bình Phước, Tiền Giang, Đắc Lắc tổ chức chuyến đi “học tập” và “nghỉ dưỡng” cho nhiều lãnh đạo sắp về hưu. Hay câu chuyện cử đoàn công tác đi Mỹ, Canada để “học tập kinh nghiệm” làm xổ số... khiến dư luận bất bình. Và dư luận cũng từng “sốc” khi tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (ngày 29/12/2015) cho biết: Trung bình mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. “Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự”...

Câu hỏi đặt ra là việc này không mới nhưng tại sao vẫn gây bức xúc cho người dân? Rất đơn giản, người dân bức xúc vì các lẽ công cuộc chống tham nhũng của đất nước hiện nay vẫn đang hết sức nóng bỏng. Người dân quan tâm đến những đồng tiền thuế mà họ đóng góp được sử dụng ra sao. Chính vì vậy mà số tiền hàng trăm tỷ chi cho các chuyến đi, quãng thời gian mà ông bộ trưởng một bộ khi đó dành để di công du nước ngoài lên tới cả nửa năm khiến người ta kinh hoàng. Kinh hoàng là bởi lẽ, trong thời gian công du ấy, 12 dự án ngành công thương đang trong tình cảnh thua lỗ, có dự án đắp chiếu trị giá cả ngàn tỷ. Nếu ông bộ trưởng khi đó không mải mê công cán trời “Tây” mà dành thời gian giải quyết các vấn đề của ngành mình, không buông lỏng quản lý thì giờ đây Chính phủ không phải xử lý hậu quả của những Đạm Ninh Bình, Ethanol Phú Thọ, PVTex.

Người ta cũng kinh hoàng vì những bức ảnh trên mạng xã hội “kể” về những chuyến công du bận rộn ấy, “công bộc” của dân đang dành thời gian, tâm sức ở sân golf và mua sắm. Và sau những chuyến công du tưởng chừng đúng chức trách, phận sự của một “tư lệnh” ngành có chức năng xúc tiến thương mại người dân lại phải hô hào nhau giải cứu nông sản; lại là những quyết định bổ nhiệm “thần tốc” (đã bị hủy bỏ sau nhiệm kỳ)…

Đúng như lý do mà Thanh tra Chính phủ nêu, thời điểm đó, Bộ Công Thương chủ trì rất nhiều đoàn đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, nên phải cử nhiều đoàn đi và đã đi phải đi dài ngày. Trong quá trình hội nhập kinh tế, việc tăng cường các đoàn công tác ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, học hỏi kinh nghiệm quản lý là cần thiết.

Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, việc lập, phê duyệt các đoàn công tác nước ngoài của 4 bộ và cơ quan ngang bộ, cùng 6 tỉnh/ thành vẫn còn bất hợp lý về thời gian, không sát với tình hình thực tế. Chưa kể, nhiều đoàn sau khi kết thúc, trưởng đoàn đã không báo cáo lại kết quả chuyến đi. Vậy là cũng đủ hiểu, những chuyến đi tiêu tốn tiền tỷ từ thuế của dân ấy chẳng mang lại lợi ích gì cho ngành, cho tỉnh nhà. Và nếu triển khai thanh tra tại tất cả các bộ, các địa phương thì con số về sự lãng phí ấy sẽ khủng khiếp tới mức nào?

Lạm dụng các chuyến công tác nước ngoài, ngân sách Nhà nước bị lãng phí là một thực tế. Đó cũng là một hình thức tham nhũng, gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà tổn hại về cả uy tín của Đảng, Nhà nước đối với người dân. Từ nhiều năm nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có các chỉ thị, nghị quyết về việc hạn chế đi công tác nước ngoài. Nhiều tỉnh, thành cũng ban hành các quy định siết chặt việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài. Tinh thần là hạn chế tối đa các chuyến đi. Nếu tổ chức đi thì phải cân nhắc kỹ theo hướng hiệu quả thiết thực; thực sự cần thiết cho công việc. Nhưng, những gì mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra cho thấy, các chỉ thị, quy định ấy đã không được quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Đến đây, câu chuyện này không còn dừng lại ở vấn đề đạo lý mà cần phải được nhìn nhận, xử lý dưới góc độ pháp lý.

Để các chuyến công cán ở nước ngoài không biến thành một dạng tham nhũng,  cách duy nhất là minh bạch thông tin về những chuyến đi này. Từ thành phần, mục đích, nội dung, kinh phí đến hiệu quả của chuyến đi, cần phải được bạch hóa. Chỉ khi công khai thông tin và được người dân giám sát thì các chuyến đi nước ngoài mới có chất lượng, hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách quốc gia./.

Lê Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ