• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham quan "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn" giữa lòng Hà Nội

Văn hoá 15/12/2021 11:00

(Tổ Quốc) - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021), ngày 16/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề "Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn".

Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", với đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh", cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc (1946 - 1954). Trong suốt chín năm kháng chiến, Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng – An toàn khu (ATK) - Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đưa ra những quyết sách chiến lược, lãnh đạo cả dân tộc kháng chiến thành công.

Tham quan "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Bản gốc Bút tích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày theo biên niên kết hợp trưng bày sưu tập hiện vật, ngoài mở đầu và phần kết, trưng bày gồm 3 phần:

Phần Mở đầu là những hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc VN – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Hình ảnh đặc biệt của phần mở đầu là Tuyên ngôn đối nội và đối ngoại của Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 01/01/1946.

Ở phần I: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh – Hà Nội cùng cả nước kháng chiến, những hình ảnh, hiện vật sẽ giới thiệu đến công chúng 3 nội dung chính:

Những quyết sách của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền Nhân dân (1945-1946). Đặc biệt là sách lược ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, chủ trương "Hòa để tiến" nhằm phân hóa, tránh cùng một lúc phải đối mặt với nhiều kẻ thù, kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến. Trong đó, tiêu biểu là Biên bản Hội nghị Trung ương từ ngày 24 đến ngày 26/2/1946 về chuẩn bị trường kỳ kháng chiến; Chỉ thị "Hòa để tiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 09/3/1946 ; Bản dịch Pháp – Việt 14 tháng chín 1946 (gồm 4 trang và 11 điều). Đây là bản dịch kèm theo lối bình và lý lẽ phân tích các vấn đề của tạm ước 14/9/1946. Đặc biệt là Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chỉ thị: Công việc khẩn cấp bây giờ, ngày 05/11/1946.

Nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: Những cố gắng hòa hoãn, nhân nhượng, thiện chí hòa bình từ phía Việt Nam đều không thay đổi được dã tâm lập lại chế độ thực dân của Pháp ở Việt Nam. Để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, Chính phủ - Nhân dân Việt Nam đã buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946 kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc.

Ở nội dung này, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng bản thảo gốc: Bút tích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nội dung Hà Nội cùng cả nước kháng chiến: Trưng bày giới thiệu sưu tập hiện vật về Trung đoàn Thủ đô được thể hiện qua tiểu cảnh "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Áo, Băng đeo tay, Phù hiệu, Súng ngắn, Súng trung liên Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô dùng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. Đặc biệt, trưng bày giới thiệu hiện vật gốc Bom ba càng, quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946. Và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị "Quyết tử" của Hà Nội tại chiến khu Việt Bắc, đầu năm 1947; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, năm 1947.

Tham quan "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Phần 2 - "Việt Bắc -Thủ đô gió ngàn", giới thiệu đến công chúng những hình ảnh cơ quan đầu não kháng chiến; hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc; các bộ sưu tập Nghị quyết, Văn kiện của Đảng; ảnh, hiện vật về quân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội... trong kháng chiến; áp phích, tranh cổ động thời kỳ 1946-1954 cùng hình ảnh, hiện vật về Đại hội II của Đảng; các hội nghị, sự kiện tiêu biểu…

Phần 3 - "Khúc khải hoàn" tập trung vào sự kiện tháng 12/1953, Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954 - 7/5/1954). Điểm nhấn trong phần này là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô…

Xuyên suốt trưng bày, công chúng một lần nữa sẽ được tiếp cận với những hình ảnh, hiện vật vô giá như: Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945; Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946; hình ảnh Quyết tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp, tháng 12/1946; mô hình Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại Khuôn Tát, Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên; bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đợt tấn công đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954; ảnh Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng Pháp De Castries, ngày 7/5/1954; hình ảnh nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954…

Tham quan "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Bom ba càng- hiện vật được giới thiệu tại Trưng bày

Một lần nữa, công chúng sẽ hiểu và yêu mến hơn mảnh đất "chiến khu"- Thủ đô gió ngàn. Với địa thế là vùng núi rừng, hiểm trở, Việt Bắc hội tụ đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa để trở thành căn cứ địa cách mạng. Phía bắc Việt Bắc giáp Trung Quốc, có thể liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế. Việt Bắc lại là cửa ngõ của miền xuôi, vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ của miền xuôi. Từ Thái Nguyên về Hà Nội không xa, khoảng 80-90 km, theo Bác, là nơi "tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ" (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).

Qua đó, công chúng cũng hiểu thêm lý do để Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ kháng chiến chống Pháp, có một lý do rất quan trọng đó là lòng dân, là sự ủng hộ, nuôi dấu, chở che, quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác của đồng bào Việt Bắc. Theo Người, sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất. Theo Người, nơi ở là: "trên có núi; dưới có sông; có đất ta trồng; có bãi ta vui; tiện đường sang Bộ tổng; thuận lối tới Trung ương; nhà thoáng, ráo, kín mái" và dứt khoát không thể thiếu yếu tố quan trọng "gần dân, không gần đường"; và "bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin".

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trưng bày Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn với những hiện vật, tài liệu có giá trị lịch sử, được chọn lựa kỹ lưỡng nhằm khẳng định và làm sâu sắc thêm vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử ngày Toàn quốc kháng chiến; khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng góp của các tầng lớp nhân dân với cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, giúp công chúng ôn lại những năm tháng kháng chiến anh dũng, vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ