• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham vấn chuyên gia về thực hiện Luật TDTT và dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật TDTT

Thể thao 19/07/2017 16:38

(Tổ Quốc) -Sáng 18/7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã diễn ra Hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện Luật Thể dục, Thể thao và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao. 

Tới dự Hội nghị có GS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao và đông đảo các nhà khoa hoạc, Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành Thể dục Thể thao.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Vương Bích Thắng cho biết: “Sau khi Luật Thể dục, Thể thao được ban hành và có hiệu lực (năm 2007- trên cơ sở kế thừa pháp lệnh Thể dục Thể thao năm 1999), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, triển khai thi hành Luật. Đến nay sau mười năm thực hiện, Luật Thể dục, Thể thao đã phát huy hiệu quả tốt, có nhiều tác động tích cực về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành TDTT thể hiện rõ ở thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng như góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động Thể dục Thể thao, thúc đẩy giao lưu, hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức Thể thao quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về quốc tế”.

Toàn cảnh buổi tham vấn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bài phát biểu của Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng chỉ rõ, cho đến nay Luật Thể dục, Thể thao đã xuất hiện một số bất cập như: một số điều, khoản của Luật có nội dung còn chung chung, thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế. Một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như các điều khoản đã quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao... cũng như một số nội dung thực tiễn đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong khi luật chưa có quy định.

Trước thực trạng, bất cập trong quá trình triển khai và áp dụng Luật Thể dục, Thể thao ở thời điểm hiện tại, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của Luật Thể dục, Thể thao là cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng phát biểu tại buổi tham vấn

Tại hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện Luật Thể dục, Thể thao và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao đã có 3 tham luận từ các chuyên gia được trình bày gồm: Bàn luận về những nội dung liên quan đến giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao (ông Lê Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất Bộ GD&ĐT); một số ý kiến về nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao (chuyên gia về Thể thao Nguyễn Hồng Minh). Và một số kiến nghị sửa đổi Luật Thể dục, Thể thao (GS.TS Dương Nghiệp Chí).

Được biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành, thiết lập hành lang pháp lý nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TDTT, tạo điều kiện cho ngành TDTT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dựa trên quan điểm kế thừa nội dung Luật Thể dục, Thể thao năm 2006, sửa đổi bổ sung các nội dung liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; duy trì các quy định còn phù hợp của Luật Thể dục, Thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở trung ương và chính quyền các cấp tại địa phương. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia...

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ