• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thần Sét đổ bộ, Hà Nội cây đè bẹp ô tô

Thời sự 19/08/2016 14:27

(Tổ Quốc) -Từ trưa nay bão  số 3 – Thần Sét đã ở trên khu vực bờ biển Hải Phòng đến Ninh Bình

Tới khoảng 2 giờ chiều nay 19/8, bão Thần Sét di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo, tới 5h chiều nay, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.

Tại Quất Lâm (Nam Định) bão Thần Sấm đã áp sát cửa biển

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định từ trưa nay đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m.

Tới khoảng 10h đêm nay, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 10-12.

Các tầu bè được yêu cầu quay về nơi trú bão

Dù suy yếu nhưng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn tiếp tục theo sát diễn biến của bão để có thông tin sát thực tế nhất cho cơ quan chỉ đạo, phòng chống.

Người dân chằng buộc lại mái nhà trước khi bão về

Ông Cường đề nghị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tập trung lực lượng, phương tiện tại những nơi xung yếu, trọng điểm nhất là những khu dân cư có nguy cơ cao, những điểm đê dễ bị tổn thương do bão làm nước biển dâng kết hợp triều cường 3-4m để sẵn sàng ứng phó.

Với 18 hồ chứa ở các tỉnh Đông Bắc Bộ đã đầy nước, Tổng cục Thuỷ lợi phải cử người đến giám sát từng hồ, đảm bảo vận hành an toàn. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo các tỉnh đồng bằng miền Bắc tiếp tục thực hiện bơm nước tiêu úng  cho lúa mùa đã bị tổn thương nặng trong hai đợt mưa do các cơn bão vừa qua.

Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm. Tới đầu giờ chiều, do ảnh hưởng bão số 3, tại Hà Nội gió giật từng cơn và mưa bắt đầu liên tục.

Một cây xà cừ lâu năm trước cổng Tháp Hà Nội (đường Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ bị bật gốc đổ vào xe ôtô KIA Forte đang đỗ trên đường.

Khoảng  11h35 ngày 19/8, một cây xà cừ lâu năm trước cổng Tháp Hà Nội (đường Hai Bà Trưng) bất ngờ bị bật gốc đổ vào xe ôtô KIA Forte đang đỗ trên đường.

Anh Linh, một nhân chứng cho biết vào khoảng thời gian trên, anh đang lái xe trên đường thì bất ngờ nghe động rất lớn từ đằng sau, khi quay lại thì thấy một chiếc xe đang đỗ gần Tháp Hà Nội bị một thân cây đổ sập đè lên nóc xe.

Rất may vào thời điểm xảy ra sự việc, chủ xe vừa ra khỏi xe được vài phút thì cây đổ vào xe nên không có thiệt hại về người.

Kiểm tra phòng, chống bão ở Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh bảo đảm an toàn cho người dân, kiên quyết không để người dân còn ở lại những khu vực nguy hiểm khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền; chuẩn bị các phương án ứng phó mưa lũ do hoàn lưu sau bão.

Người dân Nam Định dùng bao cát làm đê ngăn nước tràn vào nhà

Thị sát một số khu vực xung yếu ven biển và tuyến đê biển tại huyện Hoằng Hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa bão, điển hình như cơn bão số 1 vừa qua.

“An toàn của người dân là trên hết. Sau khi đã di dời người dân ở khu vực nguy hiểm, các đầm nuôi thủy sản cần tiếp tục rà soát để bảo đảm không còn người còn sót lại, ở lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý cần thuyết phục, vận động người dân chấp  hành việc sơ tán, tránh bão.

Phó Thủ tướng cho rằng, hoàn lưu sau bão rất nguy hiểm, đề nghị tỉnh hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch thủy sản; chuẩn bị vật tư, phương tiện để gia cố bờ bao và các công trình nuôi thủy sản. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tại Quảng Ninh, theo người dân sống trên đảo Cô Tô, tới trưa nay, sức gió cấp 6 cấp 7 giật cấp 8, biển động sóng to từ 1,5 đến 3m, toàn huyện Cô Tô mất điện. Khu vực kè tại xã Thanh Lân đã bị sạt gần 100m. Hiện được gia cố bằng bao cát và xi măng, di dời một số hộ dân đến nơi an toàn.

Tại Sơn La, mưa to cả ngày và đêm 18/8 khiến lũ tràn về huyện Sốp Cộp làm 1 người thiệt mạng tại xã Púng Bánh. Lũ cũng đã cuốn trôi 3 nhà dân ở xã này. Nạn nhân bị lũ cuốn trôi là ông Mùa Bả Súa, Bí thư Chi bộ bản Phá Thóng, xã Púng Bánh.

Tiếp tục cập nhật…

Nhóm phóng viên

NỔI BẬT TRANG CHỦ