• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháng 10, nhớ người ca sĩ hát rất hay về Hà Nội

Văn hoá 08/10/2017 10:50

(Tổ Quốc) - Như viên ngọc ẩn mình trong cát và tháng năm tự hoàn thiện mình, đến một ngày phát lộ thì ánh sáng rực rỡ vô cùng. Sân khấu nào cũng phải nhất mực có Ngọc Tân, địa phương nào cũng yêu cầu tiếng hát Ngọc Tân...

Tôi quen thân với Ngọc Tân sau ngày miền Nam giải phóng, khi từ mặt trận trở về Thủ đô Hà Nội. Lúc này, Ngọc Tân còn đang là một hợp xướng viên thầm lặng trong dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dù chỉ khiêm tốn vậy, nhưng khi tiếp xúc với anh, ai cũng thấy một vẻ quyến rũ, một sức hấp dẫn lạ lùng. Không chỉ bởi dáng vẻ hào hoa, lịch lãm, tri thức với cặp kính trắng đeo thường trực trên mắt, mà còn bởi một giọng hát trữ tình với âm sắc rất đẹp của anh. Câu hỏi đặt ra, với nhiều thiên phú như vậy, tại sao con người và tiếng hát này vẫn còn khiêm tốn thế, vẫn còn thầm lặng thế?

 Giọng ca "Hà Nội ơi ta nhớ không quên" (ảnh amusic)

Cũng phải nói thêm rằng, Hà Nội lúc này có nhiều giọng hát, nhiều gương mặt nghệ thuật trẻ đặc sắc. Hầu như tất cả họ đều được đào tạo cơ bản qua hệ thống kinh viện là Nhạc viện Hà Nội (trong khi đó Ngọc Tân lại không được thuận lợi này). Có thể kể đến những Quang Huy, Quang Thọ, Ái Vân, Lệ Quyên (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương), Dương Minh Đức, Lê Dung, Doãn Tần... (của Đoàn nghệ thuật Quân đội), Trọng Nghĩa, Bích Thảo, Huyền Châu... (của đoàn Ca múa Hà Nội) và ngay ở đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam nơi Ngọc Tân công tác, cũng lại có những Thanh Hoa, Vân Khánh (chưa kể lớp đàn anh đã tên tuổi như Trần Khánh, Trần Thụ, Tuyết Thanh, Thu Phương…).

Thế nhưng rồi như viên ngọc ẩn mình trong cát và tháng năm tự hoàn thiện mình, đến một ngày phát lộ thì ánh sáng rực rỡ vô cùng, một dịp may đã đưa Ngọc Tân bước ra khỏi dàn hợp xướng, phát lộ ánh sáng của mình và tiếng hát của anh ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhất là từ sau khi từ cuộc thi: “Con người và biển cả” với giải đặc biệt trở về, một “cơn sốt Ngọc Tân” nóng bỏng trên các sân khấu văn nghệ.

Sân khấu nào cũng phải nhất mực có Ngọc Tân, địa phương nào cũng yêu cầu tiếng hát Ngọc Tân. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật mở rộng cửa đón chào anh. Với đông đảo khán thính giả, đêm nào bật lên làn sóng phát thanh hay truyền hình mà thiếu đi tiếng hát Ngọc Tân, lại cảm thấy như thiếu hụt một điều gì, nhớ nhung một điều gì. Có thể nói những ngày tháng ấy, ít một ca sỹ nào vinh quang như Ngọc Tân. Anh thành niềm yêu mến, tôn thờ, ngưỡng mộ, thành thần tượng của không biết bao nhiêu con tim. Anh thực sự là một viên ngọc quý của nền nghệ thuật của chúng ta.

Nhưng thật bất ngờ rằng, giữa lúc vinh quang tột đỉnh ấy, Ngọc Tân lại ra đi…

Ngày Ngọc Tân ra đi, tôi ở thành phố Hồ Chí Minh chứ không còn ở Hà Nội.

Thế rồi một buổi chiếu khi tôi cùng một số anh em văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh lên thăm chiến khu Đ Mã Đà, nhạc sỹ Trần Tiến bỗng ghé tai tôi thì thầm: “Ngọc Tân vượt biên rồi”. Thú thực tôi sững sờ, choáng váng. Và suốt đêm ấy, giữa gió rừng đại ngàn Mã Đà, tâm trí tôi chỉ nghĩ về Ngọc Tân, về lớp lớp sóng gió nơi biển khơi…

…Bạn ra đi tôi đã mất bạn rồi

Ta mất nhau trong tình yêu thứ nhất

Ta mất nhau trong tình yêu Tổ quốc

Ngã ba nào nơi ta phải chia ly?

 

Cho sóng hãy bình yên

Cho gió hãy bình yên

Xin tất cả dồn vào tim tôi hết

Dẫu lầm lỗi mạng người là quý nhất

Biển khơi ơi, xin bão tố bình yên…

Bão và tố đã không bình yên. Ít ngày sau, tôi hay tin con tàu gặp giông bão. Ngọc Tân dìu được con vào bờ, nhưng người vợ thân yêu của anh thì mãi mãi nằm lại giữa biển khơi…

Năm ấy Ngọc Tân 31 tuổi. Đỉnh cao và vực thẳm. Vinh quang và cay đắng. Cái được cũng nhiều mà cái mất càng kinh khủng hơn. Từ đây, anh phải nhận một hệ lụy mà cuộc đời anh không bao giờ ngờ tới.

Mùa thu Hà Nội (ảnh Viettravel)

Ở trại giam, như Ngọc Tân kể, cũng bởi nhờ tiếng hát mà anh được ưu ái hơn. Nhưng nỗi dày vò tinh thần thì thật nặng nề. Dù vậy, cũng còn đỡ hơn những ngày được trả tự do. Vẫn sân khấu ấy, con đường kia, ngôi nhà nọ… mà bỗng chốc mất tất cả. Hai bàn tay trắng. Gia đình tan nát. Con thành côi cút. Khát vọng trở lại với nghệ thuật không thể thực hiện. Không công ăn việc làm. Trong cảnh ngộ ấy, có thể ai đó đã tìm tới cái chết. Nhưng Ngọc Tân thì khác. Anh cắn chặt răng và quyết làm lại cuộc đời…

Năm 1984, chúng tôi gặp lại nhau ở TP. Hồ Chí Minh… Lúc này, Đoàn nghệ thuật Bông Sen TP.HCM đã dang rộng vòng tay đón Ngọc Tân, hỗ trợ cho anh trở lại với con đường nghệ thuật, giúp anh làm lại cuộc đời. Một sinh khí mới trong con người Ngọc Tân, bởi trước đó anh đã quá bôn ba, thăng trầm…

Từ đây, anh đĩnh đạc trở lại sân khấu, với đúng dáng vẻ lịch lãm, hào hoa của mình. Anh tha thiết dâng hiến cho đời tiếng hát nồng nàn tình yêu sau những bão giông. Anh yêu khán giả Sài Gòn và khán giả Sài Gòn cũng dành cho chàng trai Hà Nội này những tình cảm đặc biệt. Cùng với ca sỹ Sỹ Thanh, các anh làm nên một cặp “bài trùng” rất đẹp của Đoàn nghệ thuật Bông Sen ngày ấy. Ngọc Tân đi diễn ở TP.HCM, ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc, trở ra Hà Nội… Và cả những chuyến lưu diễn nước ngoài, điều mà chính anh cũng không ngờ tới vì sau lần vượt biên bất thành, anh đã nghĩ cánh cửa quốc tế đã vĩnh viễn khép lại với mình…

Cũng từ đây, anh xây dựng tổ ấm của mình, cũng với một cô gái Hà Nội, họ sinh hạ được một cô con gái xinh đẹp. Thế là với Ngọc Tân, có đủ nếp, đủ tẻ. Anh yêu gia đình mình, và hết lòng với tổ ấm này…

Số phận của anh từ đây kể như yên. Cuộc đời của anh từ đây kể như sang những trang mới tươi đẹp. Và phải nói, tiếng hát Ngọc Tân từ đây qua những thăng trầm, mất mát càng như thiết tha hơn, cháy bỏng hơn, càng hay hơn rất nhiều… Anh thực hiện live show đầu tiên của mình, cũng là đầu tiên của một ca sỹ Việt Nam - “Biển của một thời” được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Doanh thu rất có lãi. Anh được ghi nhận là ca sỹ hát hay nhất về Hà Nội, về biển, về tình yêu và những nỗi day dứt của cuộc đời… Không còn thật trẻ, nhưng anh vẫn có được một lượng người hâm mộ đông đảo, được kể như một “Ông hoàng” của sân khấu ca nhạc. Mỗi ngày càng thêm nhiều người yêu quý tiếng hát của anh, ngưỡng mộ anh, và coi anh như thần tượng của mình…

Bước vào tuổi 50, Ngọc Tân vẫn còn rất sung sức trong nghệ thuật. Anh vẫn ra Bắc, vào Nam, đi các nước trình diễn. Nhưng lá gan của anh bắt đầu có vấn đề. Một cuộc chiến đấu mới của anh với bệnh tật lại bắt đầu. Lặng lẽ, âm thầm, quyết liệt. Một lần nữa anh quyết không đầu hàng số phận, quyết chiến đấu với bệnh tật bằng tất cả ý chí, niềm lạc quan và tình yêu nồng nàn với cuộc sống của mình…

Nhưng đáng tiếc thay, trong cuộc chiến đấu này, người nghệ sỹ thân yêu của chúng ta đã bất lực. Cuộc đời anh khép lại ở tuổi 56. Khép lại một số phận có đủ vinh quang và đắng cay, nhưng trên hết vẫn là một tiếng hát tuyệt vời, một tiếng hát minh chứng cho một cuộc đời tuy nhiều thăng trầm chìm nổi nhưng luôn giàu ý chí vươn lên…

Thế hệ nghệ sỹ của anh có nhiều người sớm ra đi như Tiến Thành, Hữu Nội, Lê Dung, Sỹ Thanh… cũng nhiều người bôn ba “chân trời góc bể” như Vân Khánh, Huyền Châu, Ái Vân, Lệ Quyên… Và cũng còn nhiều người đến hôm nay vẫn tiếp tục mang tiếng hát dâng hiến cho cuộc đời như Quang Thọ, Quang Lý, Quang Huy, Dương Minh Đức, Thanh Hoa, Trung Đức, Thu Hiền…

Tất cả đều bàng hoàng về sự ra đi của Ngọc Tân. Thực sự không ai ngờ tới. Trước đó ở Tuần Châu, tiếng hát của anh vẫn còn đầy ma lực khiến nhiều người nghe kinh ngạc, rồi khi về Hải Phòng, anh vẫn được công chúng chào đón nồng nhiệt như ngày nào, có những người lái xe taxi chở anh đi mà nhất quyết không lấy tiền vì quá hâm mộ tiếng hát của anh… Và ở album cuối cùng của anh “Hà Nội ngày chia xa”, tiếng hát của anh vẫn tha thiết, nồng nàn, sang trọng và tươi trẻ. Không ai nghĩ đấy là tiếng hát báo trước nỗi chia lìa mãi mãi của anh với cuộc đời lắm vinh quang nhưng cũng nhiều nước mắt của một nghệ sỹ đã 56 tuổi, và càng không ai nghĩ rằng đó là tiếng hót cuối cùng của một con chim khổng tước kiêu sa…

Triệu Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ