(Tổ Quốc) - Theo trang Olympics, bóng chuyền Ấn Độ có một lịch sử phong phú tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á. Và mặc dù từng để mất vị thế trong một khoảng khoảng thời gian, mọi thứ gần đây bắt đầu được cải thiện.
Được chơi rộng rãi trên khắp đất nước, bóng chuyền đã là một phần bản sắc thể thao Ấn Độ trong hơn bảy thập kỷ.
Sự phát triển của bóng chuyền nam và nữ ở Ấn Độ
Sau một thời gian dài thi đấu không chính thức, giải vô địch bóng chuyền liên bang đầu tiên được Hiệp hội Olympic Ấn Độ (IOA) tổ chức vào năm 1936. Với sự phát triển mạnh mẽ, Liên đoàn bóng chuyền Ấn Độ (VFI) được thành lập vào năm 1951 và giải đấu liên bang trước đây phát triển thành Giải vô địch quốc gia dành cho vận động viên và được tổ chức lần đầu vào năm 1952.
Những giải đấu này đã giúp Ấn Độ phát hiện ra một số tài năng đã thi đấu xuất sắc cho đội bóng chuyền quốc gia. Ngay sau đó, đội tuyển bóng chuyền Ấn Độ gần như đã tạo được tiếng vang trên đấu trường toàn cầu, giành chức vô địch Giải đấu châu Á năm 1955 tại Tokyo, Tại Đại hội thể thao châu Á 1958, khi môn bóng chuyền được thi đấu lần đầu tiên, đội bóng chuyền nam Ấn Độ, do kỳ cựu Gurudev Singh dẫn đầu, đã giành HCĐ.
Hơn 4 năm sau, đội bóng chuyền Ấn Độ đã tiếp tục thể hiện được phong độ. Tại Đại hội thể thao châu Á 1962 ở Jakarta, đội tuyển bóng chuyền Ấn Độ bắt đầu với bốn trận thắng liên tiếp trước Myanmar (hai lần), Campuchia và Pakistan.
Mặc dù đội tuyển bóng chuyền Ấn Độ sau đó tiếp tục giành chiến thắng liên tiếp trước Indonesia và Hàn Quốc, nhưng chuỗi trận bất bại của Nhật Bản đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải mang về HCB.
Vài năm tiếp theo có nhiều thăng trầm khi đội bóng chuyền Ấn Độ lần lượt về thứ tư và thứ năm tại Đại hội thể thao châu Á 1966 và 1974 và thậm chí không lọt vào giải đấu năm 1970.
Ấn Độ đứng thứ bảy vào năm 1978 và tại Đại hội thể thao châu Á 1982 trên sân nhà ở New Delhi, đội tuyển bóng chuyền Ấn Độ đã mạnh mẽ vọt lên, tuy nhiên thiếu một chút may mắn và đứng ở vị trí thứ 4.
Tuy nhiên, việc chờ đợi huy chương không kéo dài quá lâu. Tại Đại hội thể thao châu Á 1986 ở Seoul, Ấn Độ đã cử đi đội bóng chuyền được cho là tốt nhất của họ từ trước đến nay, với nhiều vận động viên tài năng và kỳ cựu GE Sridharan, K Udayakumar, Abdul Basith, Dalel Singh và PV Ramana, cha của ngôi sao cầu lông Ấn Độ hiện tại PV Sindhu.
Tất cả họ đều là những người từng có giải thưởng về bóng chuyền quốc gia, nhưng người đặc biệt nhất trong số họ và là trụ cột của đội là tài năng Jimmy George - huyền thoại của bóng chuyền Ấn Độ. Jimmy George từng có thời gian thi đấu cho các câu lạc bộ ở Italy, một trong những giải đấu hay nhất trong thời đại đó.
Có chiều cao đáng kể 1m88, Jimmy George sở hữu cú nhảy cao và khả năng lơ lửng trên không lâu hơn hầu hết một phần giây so với hầu hết các tuyển thủ khác. Anh cũng có những cú đập bóng đầy uy lực do nền tảng chiều cao và thể lực tốt.
Ramana Rao, cựu đồng đội và cựu phó chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Ấn Độ, chia sẻ với The Indian Express: "Anh ấy có cú nhảy áp đảo - cao hơn một mét so với mặt đất - điều mà vào những năm 70 và 80 rất hiếm ở Ấn Độ".
GE Sridharan, hiện là huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền quốc gia Ấn Độ thì cho rằng, bên cạnh năng lực thể chất của Jimmy George, thì sức mạnh tinh thần chính là điều đã đưa anh ấy vào hàng ngũ những cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới.
Tất cả những yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau và đội tuyển bóng chuyền Ấn Độ bắt đầu Đại hội thể thao châu Á năm đó với bốn chiến thắng – trước Hồng Kông (Trung Quốc), Bahrain, Saudi Arabia và Indonesia.
Ấn Độ đã bị đội chủ nhà Hàn Quốc hạ gục và thất bại trước nhà vô địch cuối cùng là Trung Quốc khiến họ chỉ mang về HCĐ.
Về phía đội tuyển bóng chuyền nữ Ấn Độ, dù Giải vô địch quốc gia dành cho vận động viên đã được tổ chức cho cả nam và nữ kể từ khi thành lập vào năm 1952, nhưng giải đấu của nữ đã không nhận được sự quan tâm như các vận động viên nam trong gần hai thập kỷ.
Việc không có nhiều người tham gia môn thể thao này phần nào khiến đội tuyển bóng chuyền nữ Ấn Độ không được tham dự các giải đấu quốc tế trong những năm đầu tiên và thứ hạng hạng không cho phép họ tham dự Giải toàn khu vực hoặc thế giới.
Sự chú ý tới các vận động viên nữ chỉ dần bắt đầu vào năm 1977-78 khi vận động viên Dipti Malik dẫn dắt đội Indian Railways giành chức vô địch trong năm đầu tiên thành lập. Chiến thắng đã giúp các thành viên trong đội kiếm được việc làm và khi khía cạnh tài chính được đảm bảo, các cầu thủ được tập trung vào thi đấu. Khi đó, không có gì ngạc nhiên khi đội đội Indian Railways đã thống trị giải quốc nội, giành 33 danh hiệu và 8 lần về nhì kể từ đó.
Và sự ra đời của Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á năm 1975 cũng giúp đội bóng chuyền nữ Ấn Độ phát triển.
Ấn Độ đã góp mặt tại Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á trong lần tổ chức thứ hai vào năm 1979, đứng thứ bảy và giúp đội bóng chuyền nữ Ấn Độ đủ điều kiện tham dự Đại hội thể thao châu Á lần đầu tiên trên sân nhà ở New Delhi vào năm 1982.
Tại Đại hội thể thao Liên đoàn Nam Á (SAF) khai mạc vào năm 1984, đội bóng chuyền nữ Ấn Độ thể hiện được sức mạnh và tiếp tục thống trị trong những năm 1990, giành được bốn huy chương vàng và một bạc. Đội nữ Ấn Độ cũng đã giành được huy chương ở cả hai kỳ Đại hội thể thao Nam Á 2016 và 2019.
Bóng chuyền Ấn Độ những năm gần đây
Sự phổ biến chung của môn bóng chuyền ở Ấn Độ đã giảm sút trong những năm sau đó do những bất đồng trong các liên đoàn, thêm vào đó là sự nổi lên của môn cricket tại Ấn Độ.
Tại Đại hội Thể thao châu Á 2002 và 2006, đội tuyển nam Ấn Độ không tạo được dấu ấn. Trong khi đó, đội tuyển bóng chuyền nữ Ấn Độ cũng không tạo ra nhiều ảnh hưởng ở cấp độ châu Á, vì họ chỉ đủ điều kiện tham dự Đại hội thể thao châu Á 2010 sau lần đầu tiên tham dự vào năm 1982. Mặc dù đội nữ Ấn Độ tiếp tục được góp mặt tại sự kiện này kể từ năm 2010, nhưng họ đều không đạt được huy chương.
Tại Đại hội thể thao châu Á 2010 và 2014, đội tuyển nam Ấn Độ dần có sự phục hồi khi đứng ở vị trí thứ 5 với những ngôi sao thời hiện đại và đội trưởng truyền cảm hứng Sinnadu Prabhagaran và Mohan Ukkrapandian.
Đội tuyển bóng chuyền nam Ấn Độ được xếp hạng 34 vào năm 2014, vị trí tốt nhất của họ trên thế giới. Tuy nhiên, ngay khi môn thể thao này có vẻ như đang khởi sắc trở lại, một tranh chấp nội bộ trong VFI đã khiến đội tuyển Ấn Độ bị Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế (FIVB) cấm thi đấu hai năm cho đến năm 2018.
Tuy nhiên, mọi thứ đang khởi sắc một lần nữa. Pro Volleyball League, một giải đấu mới được triển khai từ năm 2019 tại Ấn Độ đã thành công vang dội và càng đáng nhớ hơn khi có sự xuất hiện của những ngôi sao như David Lee người Mỹ, vận động viên bóng chuyền giành huy chương vàng Olympic năm 2008.
"Giải đấu này mang lại một sự thay đổi lớn, cả về cách chúng tôi thi đấu và chuẩn bị, cũng như sự xuất hiện rộng rãi trên TV. Đó sẽ là một bước tiến lớn hướng tới Thế vận hội," ngôi sao Ukkrapandian đã nói với Sportstar.
Mặc dù đội tuyển bóng chuyền nam Ấn Độ không đủ điều kiện tham dự Tokyo 2020 sau thất bại trong giải đấu vòng loại Olympic, nhưng sự quan tâm trở lại đối với môn thể thao này có thể giúp bóng chuyền Ấn Độ phát triển trong vài năm tới.