• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh đồng Trần An Đức Hạnh: Mong lớp trẻ gìn giữ và phát huy giá trị đích thực của Tín ngưỡng thờ Mẫu

Văn hoá 13/04/2022 19:41

(Tổ Quốc) - Gần 40 năm gắn bó với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đến nay dù tuổi đã cao nhưng thanh đồng Trần An Đức Hạnh ở Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn vẹn nguyên tâm huyết như những ngày đầu.

Uy tín của thanh đồng Trần An Đức Hạnh cho đến nay không còn xa lạ với người trong giới, do thâm niên và những đóng góp của bà trong sự gìn giữ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hiện bà là thủ nhang Ba Nàng vọng điện ở Nguyễn Công Trứ, Hà Nội.

Thanh đồng Trần An Đức Hạnh: Mong lớp trẻ gìn giữ và phát huy giá trị đích thực của Tín ngưỡng thờ Mẫu - Ảnh 1.

Thanh đồng Trần An Đức Hạnh mong muốn cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, ban hành bộ quy chuẩn về nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Ở tuổi 78, với kinh nghiệm gần 40 năm gắn bó cùng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mong muốn của thanh đồng Trần An Đức Hạnh là truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu đúng và hiểu sâu sắc về Tín ngưỡng thờ Mẫu – điều mà cho đến nay vẫn chưa có một giáo trình cụ thể để "soi chiếu" làm chuẩn mực chung. Ngay cả với các đồng thầy nhiều khi mỗi người hiểu một cách, dẫn đến truyền dạy cả những điều chưa đúng cho thanh đồng.

Ngày 1/12/2016, Tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa.

Kể từ khi được vinh danh, người thực hành tín ngưỡng như thanh đồng Trần An Đức Hạnh cảm thấy vui mừng và vinh dự vì tín ngưỡng thờ Mẫu đã được đặt đúng vị trí trang trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Việt. "Đây là giá trị có được nhờ tinh thần bền bỉ bảo tồn của các thanh đồng, nhờ vào sự dũng cảm và dấn thân của các nhà khoa học, các nhà quản lý làm thay đổi nhận thức xã hội với nghi lễ thờ Mẫu, nhằm giữ gìn sự trong sáng cũng như trả lại sự nguyên bản của nghi lễ vốn từ trước đến nay bị ảnh hưởng bởi một số cá nhân lợi dụng tín ngưỡng để mưu lợi cá nhân", thanh đồng Trần An Đức Hạnh nói.

Cùng với đó, từ năm 2001 các thanh đồng có nhiều công lao trong việc đóng góp, gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng.

Nhưng từ đó đến nay, thanh đồng Trần An Đức Hạnh cũng không khỏi trăn trở vì vẫn còn quá nhiều nơi, nghi lễ hầu đồng được hiểu chưa đúng và chưa thực sự đưa tín ngưỡng này phát triển theo đúng tinh thần là một giá trị nghệ thuật. Không những thế, nhiều thanh đồng còn lợi dụng sự công nhận để trục lợi, khiến nghệ thuật đặc sắc này không khỏi bị biến tướng và mang màu sắc thương mại. Nhiều thanh đồng hiểu chưa đúng về bản chất, đưa hình thức mê tín lồng ghép vào các nghi lễ thờ Mẫu, làm mất đi giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống này.

Thanh đồng Trần An Đức Hạnh: Mong lớp trẻ gìn giữ và phát huy giá trị đích thực của Tín ngưỡng thờ Mẫu - Ảnh 2.

Thanh đồng Trần An Đức Hạnh ở tuổi 78 vẫn mong muốn được truyền dạy cho thế hệ sau hiểu đúng về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ

Hiện tại, thanh đồng Trần An Đức Hạnh đã và đang hướng đến việc hướng dẫn, đào tạo lại cho thế hệ sau về những vẻ đẹp riêng có của Di sản văn hóa phi vật thể này. Bà cũng nỗ lực hướng các thanh đồng về chữ Tâm khi thực hành các nghi lễ trong đạo Mẫu. Với bà, diễn xướng chầu văn chính là nghệ thuật hiển Thánh với mục đích ca ngợi, kể lại công lao các nhân vật lịch sử hoặc những nhân vật mang quý danh tượng trưng như ông quan, bà chúa. Khi một nghệ nhân trình tấu giá đồng là do các vị thần linh hóa thân vào, người nghệ nhân phải có sự tín tâm và hiểu biết về cốt cách nhân vật lịch sử cũng như nắm vững các điệu thức chầu văn trên cả khía cạnh âm nhạc, lời văn.

"Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao để các thanh đồng trẻ, những người kế cận chúng tôi được truyền dạy một cách bài bản, đúng và sâu. Làm sao để vẫn thể hiện được nét tâm linh nhưng cũng phải đi theo niêm luật. Thứ 2 là vấn đề đạo đức phải được đề cao. Đi lễ ai cũng đến bằng cái tâm nhưng tâm là chưa đủ mà phải cần có đức nữa. Nó phải song hành với nhau mới gột bỏ được toan tính, trục lợi"- thanh đồng Trần An Đức Hạnh chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng này, thanh đồng Trần An Đức Hạnh mong muốn cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, ban hành bộ quy chuẩn về nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. "Cho đến thời điểm hiện tại, rất đáng tiếc rằng chúng ta vẫn chưa thể tìm ra một quy chuẩn hay một giáo trình về hầu đồng, hát văn tạm gọi là chuẩn nhất, mà phần lớn đều chỉ là truyền miệng trong nhân dân. Các cơ quan quản lý văn hóa cần sớm vào cuộc, nghiên cứu và phục dựng. Giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện ở người thực hành, chính là các thanh đồng, đồng thầy. Cũng giống như hát xoan, hát ghẹo, hát quan họ, hát bài chòi…văn hóa phi vật thể vốn nằm trong các nghệ nhân, các thanh đồng hoạt động lâu năm. Cần thu thập các tài liệu từ sự nghiên cứu, kinh nghiệm thực hành của họ rồi trên cơ sở đó đưa ra quy chuẩn. Có như thế thì thế hệ kế cận mới không bị mông lung và dễ dàng tiếp cận với cái chuẩn mực, tránh bị các đồng thầy thiếu hiểu biết và thiếu cả tâm đức dẫn dắt", thanh đồng Trần An Đức Hạnh nói./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ