• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh Hoá: Cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia bị lãng quên

15/03/2008 09:00

Thiệu Toán là một trong những chiếc nôi của cách mạng Thanh Hóa, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hai làng Mao Xá và Cựu Thôn đã được Nhà nước tặng Bằng có công với nước và Kỷ niệm chương cách mạng. Vậy mà cụm di tích cấp quốc gia này đã bị lãng quên 14 năm nay.

Thiệu Toán là một trong những chiếc nôi của cách mạng Thanh Hóa, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hai làng Mao Xá và Cựu Thôn đã được Nhà nước tặng Bằng có công với nước và Kỷ niệm chương cách mạng. Vậy mà cụm di tích cấp quốc gia này đã bị lãng quên 14 năm nay.

Ngày 15-10-1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn ký Quyết định số 2754 QĐ/BT cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cho cụm cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945. Đây là 3 ngôi nhà và khuôn viên của các ông: Lê Công Thanh, nguyên ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1930 - 1932; Lê Huy Toán, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa 1941 - 1942; Tô Đình Bảng, nơi hội nghị Tỉnh ủy Thanh Hóa họp ngày 15 - 17-8-1945 triển khai lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa.

Cả ba ngôi nhà trên đều ở làng Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ), xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa. Tại thời điểm ký quyết định, cả 3 ngôi nhà còn gần như nguyên trạng. Nhưng vì xã Thiệu Toán là một xã nghèo, thuần nông nghiệp, chưa có điều kiện tổ chức đón nhận kịp thời, nên mãi đến ngày 18-12-2006 (sau 12 năm) địa phương mới tổ chức đón nhận và công khai cho nhân dân biết. Hiện nay cả ba ngôi nhà đều đã đổi chủ. Nhà ông Lê Công Thanh và ông Lê Huy Toán làm từ cuối thế kỷ XIX, nên thời gian đã làm 2 ngôi nhà này xuống cấp nghiêm trọng. Nhà ông Lê Đình Bảng đã bị chủ mới phá và làm nhà khác (mái bằng) cách đây hơn 10 năm nên nhà cũ chỉ còn lại trong ảnh (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa).

Từ thực tế trên, các cụ lão thành cách mạng ở địa phương đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Ngày 20-2-2007, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ký Công văn số 245/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa. Công văn có đoạn viết: “Đề nghị Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế, báo cáo Cục Di sản văn hóa sự việc trên, đồng thời có phương án bảo vệ, phát huy di tích”. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn thấy không có gì thay đổi, thậm chí tấm bia để đánh dấu vị trí di tích cũng không có.

Theo TH

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ