(Toquoc)- Về xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc) ngày này, những cánh đồng lúa vốn vài ngày trước còn vàng trĩu bông thì nay bốn bề một màu trắng xoá. Bao nhiêu tôm cá, lúa, hoa màu... của người dân đã chìm trong nước khiến lòng người nặng trĩu.
Uỷ ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc cho biết, trận lũ lụt vừa qua đã gây ngập úng gần hết diện tích hoa màu, thủy sản và thiệt hại nặng cơ sở hạ tầng của các xã trên địa bàn huyện. Trận lụt vừa qua khiến huyện thiệt hại trên 70% diện tích nuôi trồng thuỷ sản (564,8 ha), trong đó, Vĩnh Hưng là xã bị thiệt hại nặng nề nhất.
Cánh đồng lúa giờ đã thành biển nước mênh mông. (Ảnh: Hà Giang) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc, bác Dương Nhàn (thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) buồn rầu nói, nhà có 2 mẫu lúa chưa kịp thu hoạch nên đợt lụt này ngập úng hết. Ngoài ra, bao nhiêu cá nuôi từ tháng 3 năm ngoái định thu hoạch vào tháng 10 này cũng mất trắng.
“Cá nuôi công nghiệp thì chỉ 5-6 tháng nhưng gia đình tôi không nuôi cá theo hình thức công nghiệp nên phải từ 1 năm đến 1,5 năm mới đánh bắt được. Năm ngoái tôi vừa thả 50 kg cá chép giống, 30 kg cá mè và hàng tạ cá gồm nhiều loại cá khác nữa, không ngờ sắp đến lúc thu hoạch lại vào đúng đợt lụt khủng khiếp này”, bác Dương Nhàn rơm rớm nước mắt nói.
Vừa nói, người phụ nữ với dáng vẻ đau khổ vừa chỉ tay ra phía trước, nơi mà trước đây vốn chỉ để nuôi cá nay đã thành một biển nước mênh mông trắng xoá.
“Nhà tôi vừa nhận đất đặc cách, vừa thầu của xã, vừa trồng lúa, vừa nuôi cá... Hằng năm cũng thu nhập được 50 -70 triệu đồng tiền lãi từ bán cá để trang trải cho gia đình. Năm ngoái nhà tôi đầu tư vốn mua cá giống cũng mất vài chục triệu. Vậy mà giờ thành tay trắng hết cả!”, bác Dương Nhàn thở dài.
Sắp tới, sau “vận hạn” này, bác Dương Nhàn cho biết sẽ vực lại nghề nuôi cá, bởi nghề này đã gắn bó với gia đình 12 năm. Tuy nhiên, để khôi phục lại mọi thứ, trong đó có nguồn vốn là việc không dễ dàng.
“Biết là khó khăn nhưng phải làm thì mới có cái ăn. Tôi sẽ vay mượn tiền từ con cái, hoặc vay ngân hàng để mua cá giống. Cả gia đình tôi sẽ cùng nhau gây dựng lại từ đầu vậy!”, bác Dương Nhàn quyết tâm.
Theo lời bà con ở đây, trận lụt năm nay khiến xã Vĩnh Hưng thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, so với trận lụt cách đây 10 năm vẫn còn đỡ hơn nhờ có con đê mới đắp năm 2014. 10 năm trước, nơi đây cũng từng chịu đựng sự hoành hành của trận lũ khủng khiếp với mực nước cao hơn trận lụt năm nay 1m2, cuốn theo toàn bộ nhà cửa, hoa màu và hàng chục người thiệt mạng.
10 năm, người dân xã Vĩnh Hưng vẫn còn chưa kịp nguôi ngoai, vậy mà chỉ trong 1 đêm, lũ lại ập tới cướp đi mọi thứ khiến họ vốn đã nghèo nay lại còn xơ xác hơn.
Ông Mai Thanh Sơn (thôn 6, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc), một trong những hộ nuôi cá tại xã Vĩnh Hưng bị mất mát lớn trong trận lũ, cho hay: “Gia đình tôi mới thả 300 con cá trắm loại to như bắp tay và cá cũ thì còn khoảng 1 tấn cá chép, cá trắm cũ đang nuôi... Vậy mà chỉ qua 1 đêm lụt đã mất trắng. Lúa thì còn 4 sào chưa kịp gặt, 1,5 mẫu đã gặt rồi nhưng do mưa nhiều quá nên chưa kịp phơi phóng gì. Nay mất hết rồi còn đâu!”.
Hiện ông Sơn đang ở trong ngôi nhà cấp 4 xây dở, tường vẫn còn chưa kịp sơn và trong nhà chưa có bàn ghế, nội thất gì ngoài vài thứ đồ đạc đơn sơ.
Ngồi trên manh chiếu cũ dải dưới đất, ông Sơn chia sẻ dự định: “Sắp tới, khi nước rút hết tôi sẽ trồng ít khoai sọ. Rồi tôi sẽ tìm mua cá giống để nuôi lại. Vì toàn tỉnh Thanh Hoá đều ngập lụt nên cá giống không còn, sẽ rất khó mua nhưng tôi sẽ cố gắng. Rút kinh nghiệm, có lẽ tôi sẽ phải xây tường bao quanh khu vực nuôi cá. Tốn kém đấy nhưng đành phải làm vậy cho chắc, còn hơn mất tất cả”.
Người đàn ông 55 tuổi, dáng vẻ mệt mỏi chua chát nói thêm: “Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều gia đình khác nữa cũng lâm vào hoàn cảnh mất hết nguồn thu, cả vốn lẫn lãi... Liệu rồi sau này họ lấy gì trang trải gia đình, nuôi nấng các con ăn học?”.
Ruộng đỗ chỉ còn trơ trọi gốc (Ảnh: Hà Giang) |
Cùng hoàn cảnh trên, bác Hạnh, mẹ chị Trịnh Thị Lương (thôn 8, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) cho biết, chị Lương là con gái của bác, hiện ở một mình nuôi 3 con nhỏ đều đang học cấp 2, cấp 3. Chồng chị Lương mất cách đây gần chục năm, gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Ngày thường, chị Lương làm ruộng, chăn nuôi bò, ngan, gà...để lấy tiền nuôi các con ăn học.
Vậy mà đợt lụt này đã khiến nhà chị Lương mất gần 200 con gà, ngan... Lúa cũng chưa kịp gặt, mất trắng.
“Ngôi nhà do Nhà nước xây cho cũng bị ngập lụt quá nửa, mất hết đồ đạc trong nhà. Ngày 13/10 nước vẫn chưa rút hết. Hiện 4 mẹ con chị phải ở trên tum và hằng ngày, cậu em trai phải đi xuồng vào mang cơm cho chị và các cháu ăn, chờ ngày nước rút”, bác Hạnh chia sẻ trong nước mắt.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tổng diện tích bị thiệt hại là 2.773,7 ha, trong đó: Cây ngô: 1.548,8 ha (70%); đậu tương: 51,3 ha (70%); rau màu các loại: 309,5 ha (70%); diện tích nuôi trồng thuỷ sản: 564,8 ha (70%), các loại cây trồng khác: 165,4 ha. Có 53 trang trại, gia trại bị ngập phải di chuyển tại các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Thành, Vĩnh Khang, Vĩnh Hoà, Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân. 02 con bò, 5.000 con gà con, 513 con lợn con theo mẹ bị chết...Đến 13/10, nước lũ đã dần dần rút. Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã có công điện số 07/CĐ-UBND về việc phòng chống, đối phó với bão và mưa lớn. Cụ thể, nội dung công điện yêu cầu các địa phương đã tổ chức sơ tán dân, tiếp tục động viên nhân dân chưa trở lại địa phương vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp trước cơn bão số 11 sắp tới.
Hà Giang