• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh Hóa: Triển khai lập Đề án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn

Văn hoá 16/04/2020 12:45

(Tổ Quốc) - Nhiều kết quả trong công tác văn hóa, thể thao tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2020; Lập kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2020; Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Thanh Hóa: Triển khai lập Đề án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn - Ảnh 1.

Làng cổ Đông Sơn/ Baodansinh.vn

Thanh Hóa: Triển khai lập Đề án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn

Đó là một trong những nhiệm vụ được đề ra trong kế hoạch công tác tháng 5/2020 của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa.

Theo Báo cáo từ Sở VHTTDL, trong tháng 4, các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện tốt như: công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim; hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu biên soạn lịch sử; hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

Cụ thể, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh xếp hạng 01 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, cấp đổi bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh được công nhận từ trước ngày 31/12/2003 cho 02 di tích; Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ "xây dựng biển chỉ dẫn và bảng giới thiệu tại khu di sản Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận"; Tiếp tục triển khai thực hiện đề án "Khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ" trong năm 2020…Tham mưu văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống có dịch Covid-19; Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động trên địa bàn toàn tỉnh (đợt II, từ ngày 10/4 đến hết đại dịch); Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" và Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Thẩm định tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sưu tầm và biên soạn 3 số thư mục "Thanh Hoá qua báo chí Trung ương"; luân chuyển 45.000 lượt sách, báo; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho 14 nhà thư viện; Nghiên cứu phương án tổ chức trưng bày bổ sung các hiện vật khu vực sân vườn, hạng mục chỉnh lý, nâng cấp khu vực trưng bày ngoài trời, phân kỳ Đề án "Sưu tầm, bảo quản, chỉnh lý nâng cao hình thức trưng bày Bảo tàng, giai đoạn 2010-2020", năm 2020…

Trong tháng 5, ngành VHTTDL Thanh Hóa sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và Bộ VHTTDL tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tiếp tục tuyên truyền các giải pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh covid-19; Triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích năm 2020; Thẩm định các hồ sơ thiết kế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Triển khai lập Đề án Lễ hội mùa xuân vùng văn hóa Lam Sơn, huyện Thọ Xuân và Đề án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa; Triển khai Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại các trường học trên địa bàn tỉnh"; Triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh…

Nghệ An: Lập kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2020

Ngày 15/4, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã có Báo cáo về công tác văn hóa, thể thao tháng 4, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2020.

Theo Báo cáo, trong tháng 4, ngành đã tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Quyết định, Nghị quyết, Đề án liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời trình phê duyệt danh mục xếp hạng di tích, lập kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gửi các địa phương; lấy ý kiến góp ý dự thảo quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn; ban hành Quy chế tạm thời quản lý và tổ chức hoạt động tại Đền thờ Chung Sơn.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; kế hoạch xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học nghệ thuật năm 2021; hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị  sử dụng mẫu tranh  do Cục Văn hóa cơ sở cung cấp để cổ động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tháng, đã luân chuyển 5.641 lượt sách, cấp mới 95 thẻ bạn đọc, phục vụ 547 lượt bạn đọc; triển khai các nội dung của kế hoạch tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc lần thứ II; hoàn thiện dự thảo lần 1 và lần 2 Thư mục Hồ Chí Minh "Cuộc đời và sự nghiệp".

Ngoài ra, trong công tác xây dựng đời sống cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", công tác cũng được triển khai thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả tích cực.

Thanh Hóa: Triển khai lập Đề án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn - Ảnh 2.

Toàn cảnh Kinh thành Huế/Báo Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế: Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã có Tờ trình về việc thống nhất nội dung Đề án bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng Bộ tiêu chí đặc thù nhằm nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản để có cơ sở khoa học xác định Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản. Đồng thời, trên cơ sở xác định Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản, kiến nghị các nội dung đặc thù đối với đô thị Thừa Thiên Huế về tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính, mô hình đô thị trực thuộc Trung ương,… hướng tới mục tiêu Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố thuộc Trung ương.

Theo đánh giá, hiện nay Thừa Thiên Huế có những chỉ số nổi bật như: chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin; chất lượng dân số cao và tỷ lệ hộ nghèo thấp; di sản văn hóa, di tích lịch sử thu hút lượng lớn khách du lịch…

05 tiêu chí để nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản gồm: Vai trò lịch sử và yếu tố di sản trong chức năng đô thị; Số lượng, quy mô di sản, di tích; Yếu tố truyền thống trong đô thị; Vai trò của di sản trong phát triển kinh tế đô thị; Công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Đề án này sẽ tạo đột phá trong xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, đẩy mạnh thu hút nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa của Việt Nam và thế giới. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển đô thị Huế có hệ thống di sản quốc gia và nhân loại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành, quản lý đô thị; huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thừa Thiên Huế để hướng tới phát triển một đô thị có đặc thù về di sản trường tồn, bền vững cho thế hệ tương lai của Việt Nam./.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ