(Tổ Quốc) - Đề án nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn mới đây đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Lễ hội Lam Kinh. Nguồn: VOV
Mục tiêu của đề án nhằm nghiên cứu, xây dựng lễ hội mới mang sắc thái đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa trở thành sản phẩm du lịch; lựa chọn, tập trung đầu tư khai thác, phát huy một số lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch, hoặc hỗ trợ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch; kết hợp cùng các giá trị văn hóa của địa phương để góp phần xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, lựa chọn 03 lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh để từng bước hình thành và bổ trợ cho sản phẩm, thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa gồm: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Lê Hoàn. Đối với các lễ hội này sẽ hướng tới phát triển thành lễ hội mang tính liên vùng, riêng lễ hội Lam Kinh phát triển trở thành lễ hội Cung Đình, xây dựng các mô hình phỏng dựng hoặc trình diễn nghi thức phỏng dựng theo nghi lễ cung đình thời Lê tại chính điện; Tổ chức kết nối chuỗi sự kiện tại các địa phương, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các công ty lữ hành trong và ngoài nước liên kết đưa khách đến tham quan.
Bên cạnh đó nghiên cứu, tổ chức 06 lễ hội mới tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ phát triển du lịch gồm: xây dựng mới lễ hội tại Phủ Trịnh, Lăng Miếu Triệu Tường, Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái (Sầm Sơn); xây dựng mới Festival di sản Thành Nhà Hồ; phục dựng lễ Tế Giao tại khu di tích Đàn tế Nam Giao; tổ chức lễ hội mới Hương sắc vùng cao.
Đồng thời lựa chọn 05 lễ hội tiêu biểu tổ chức với quy mô cấp huyện: Lễ hội Mẫu Tam phủ (Sòng Sơn, Phố Cát, Hàn Sơn - Cô Bơ); Lễ hội Am Tiên - Phủ Nưa; Lễ hội đền Đồng Cổ; Lễ hội Mai An Tiêm; Lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng ven biển và bảo tồn, phát huy 06 loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, phát triển thành sản phẩm du lịch: Trò diễn Xuân Phả; Hò Sông Mã; Trò Chiềng; Dân ca - Dân vũ Đông Anh; Trò diễn Pồn Pôông; Kin chiêng Bọc Mạy, Khua luống để bổ trợ cho sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Để thực hiện tốt các mục tiêu và nội dung nói trên, các nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra như: Xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại khu điểm du lịch, nơi diễn ra lễ hội; kêu gọi xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, tổ chức lễ hội; xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức lễ hội mang tính đặc thù cho các loại hình lễ hội định hướng trở thành sản phẩm du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, từng bước thực hiện tốt nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong lễ hội. Đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của các nghệ nhân dân gian, khai thác vốn hiểu biết về văn hóa dân gian và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về các mặt như quản lý văn hóa, tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên, thuyết minh viên…
Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội tại tỉnh Thanh Hóa cũng như tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch./.