• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh Hoài- Lê Dung: Cuộc gặp gỡ “định mệnh”

Văn hoá 18/06/2009 16:58

(Toquoc)-Bao năm sống bên trời Pháp, nữ nhạc sĩ Thanh Hoài không thôi “theo đuổi” NSND Lê Dung, bởi chị mới hiểu rằng, chỉ có con người này mới đủ sức “nâng cánh” cho những tình khúc của chị. Và cuộc gặp gỡ định mệnh đã tới vào một ngày mùa đông tại Paris…


(Toquoc)-Bao năm sống bên trời Pháp, nữ nhạc sĩ Thanh Hoài không thôi “theo đuổi” NSND Lê Dung, bởi chị mới hiểu rằng, chỉ có con người này mới đủ sức “nâng cánh” cho những tình khúc của chị. Và cuộc gặp gỡ định mệnh đã tới vào một ngày mùa đông tại Paris

Một “Mối duyên tiền định”

Cả cuộc đời theo đuổi âm nhạc, với 300 tình khúc ra đời nhưng chưa bao giờ nữ nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài công bố rộng rãi với công chúng, lý do duy nhất có thể lý giải điều này chính là chưa tìm được “người nghệ sĩ đỡ đầu” cho những đứa con ruột thịt của mình. Bao năm sống bên trời Pháp cũng là quãng thời gian chị không thôi “cuộc rượt đuổi” để “tóm” bằng được NSND Lê Dung, vốn được mệnh danh là “người đàn bà hát” ở Việt Nam. Bởi Thanh Hoài hiểu rằng, chỉ có con người này mới nâng cánh cho những tình khúc, những bài hát luôn có những quãng rộng, đòi hỏi người ca sĩ không chỉ có kỹ thuật hát điêu luyện mà cần có tâm hồn nhạy cảm, một chất giọng truyền cảm, và điều này, không ai ngoài Lê Dung mới có thể “tải” được.

Như một “mối duyên tiền định”, sau nhiều năm “lân la dò hỏi”, một ngày mùa đông (Tháng Giêng, năm 1995) giá rét tại Paris, Lê Dung đã xuất hiện trong phái đoàn sang biểu diễn phục vụ bà con Việt Kiều nhân dịp Tết cổ truyền. May thay, Lê Dung trọ bên ngôi nhà của người bạn và chỉ cách nhà Thanh Hoài chừng 10 phút phóng xe. Ngay lập tức, cuộc gặp gỡ được thu xếp, cầm trên tay 300 tình khúc của Thanh Hoài, Lê Dung như nín lặng, dò đọc từng câu chữ trong bài rồi thốt lên: “Tôi sẽ hát tất cả các ca khúc của chị Hoài. Và cũng nói cho chị biết rằng, không phải ai cũng có thể hát những tác phẩm của chị, chị phải rất thận trọng khi chọn ca sĩ thể hiện những bài hát này đấy”.

Thanh Hoài rưng rưng tả lại cảm xúc của mình: “Chị ấy đã đọc thấu lòng tôi, tôi hạnh phúc như người mới được hồi sinh. Lê Dung đã nhóm lên trong tôi niềm hi vọng, làm thoả mãn niềm mongước được cất cánh cho tác phẩm của mình”. Chị hào hứng kể lại những ngày hai người làm việc cùng nhau: “Vẻn vẹn 3 tuần chúng tôi đã lao vào luyện tập, tôi đàn, Lê Dung hát. Ngày đi thu thanh, tôi mất một giờ lái xe chở Lê Dung đi đến phòng thu, chúng tôi đã cật lực làm việc từ 1 giờ trưa đến tận 10 giờ đêm công việc mới hoàn thành. Chị có biệt tài khác người là “thấu” được hồn tác phẩm rất nhanh, cùng với kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ nổi danh đang vào độ chín của sự nghiệp ca hát, Lê Dung làm việc với lòng hăng say, miệt mài và đầy tình trách nhiệm. CD ra đời với 10 tình khúc một cách dễ dàng mà chưa một  người chuyên nghiệp nào có thể làm hoàn hảo đến như thế”.

Trong số tác phẩm đó, “Mắt là thuyền đưa” và “Thôi xin từ giã” là hai tác phẩm không phải Thanh Hoài tâm đắc nhất khi sáng tác nhưng lại là hai ca khúc mà chính tác giả đánh đàn, NSND Lê Dung thể hiện được coi là thành công nhất. Mỗi lần giới thiệu tới bạn bè khi về nước, không dưới một lần, Lê Dung đã hãnh diện khi nói rằng: “Hãy nghe Mắt là thuyền đưa” đi, tôi chưa bao giờ thấy ai viết về con mắt người tình kiểu như thế. Không biết Thanh Hoài ăn gì mà có thể viết được những ca từ hay như vậy”. Đó là câu nói của Lê Dung mà cuộc gặp gỡ duy nhất của định mệnh đã khiến cho nhạc sĩ Thanh Hoài khôn nguôi niềm hạnh phúc.

Tuy nhiên, kỳ lạ thay đĩa CD duy nhất mà Thanh Hoài đã dày công thu thanh cùng Lê Dung cho đến nay chưa ai hay biết, có chăng cũng chỉ là những người thân, bạn bè xung quanh người nhạc sĩ bước qua tuổi 50 này. Không phải là dòng nhạc khó nghe mà bởi những sóng gió trong cuộc đời đã xảy ra ngay sau khi thu thanh CD đã khiến cho Thanh Hoài không mảy may đến âm nhạc và cuộc từ giã với thế giới của những giai điệu trữ tình cũng bắt đầu đến với chị.

Cho đến hôm nay, sau 13 năm CD thu thanh với Lê Dung hoàn thành, Thanh Hoài mới tìm cách trở về Hà Nội sau hơn 40 năm xa đất nước để quyết chí giới thiệu tới công chúng 10 tình khúc đã được Lê Dung thể hiện mà từ trước đến nay chưa có người yêu nhạc nào biết được. Đó cũng chính là ước nguyện “làm một cái gì đó cho người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này” của người nhạc sĩ có một cuộc đời chẳng mấy bình yên này.

Và cuộc đời lắm nỗi truân chuyên

Là người con gái gốc Huế, nhưng Sài Gòn lại chính là điểm dừng chân  sau mỗi chuyến đi-về của chị. Sau khi du học nhạc tại Bỉ, Thanh Hoài-cô gái ngày ấy mới 20 tuổi lúc đó một mình đã quyết định sang định cư tại Pháp. Nhưng chị vẫn than rằng: “Hải ngoại không phải là mảnh đất để những người viết nhạc như chị “dụng võ”, hàng ngày tôi phải đi dạy gia sư âm nhạc để kiếm sống”.

Mối tình đầu với một người chồng là văn nghệ sĩ không thành, phải mất khoảng thời gian dài chị mới bình tâm trở lại và tìm được “bến đỗ bình yên”. Tuy nhiên cuộc hôn nhân gần 30 năm với 5 đứa con cuối cùng cũng không níu kéo được hạnh phúc đi với chị đến suốt cuộc đời. Hoàn thành tâm nguyện thu xong đĩa CD với Lê Dung cũng là lúc người bạn đời của nữ nhạc sĩ này nói lời chia tay. “Trong cuộc sống chẳng có ai hiểu được nỗi lòng của tôi, ngay cả người bạn đời cũng không thể chia sẻ và dung hoà với niềm đam mê của tôi là âm nhạc. Mỗi ca khúc ra đời là món quà tinh thần tôi dành tặng anh nhưng cuối cùng anh cũng chẳng ngó ngàng tới, những nỗi niềm buồn vui, những lao đao trong cuộc sống được tôi ghi lại như thể nhật ký mong có người hiểu thấu nỗi lòng nhưng rồi “tôi vẫn trở về với chính cõi lòng cô đơn vô bờ của mình”.

“Cuộc sống như đang tạo ra những cơn giằng xé trong tâm can tôi, hạnh phúc tan vỡ, lúc đó âm nhạc đối với tôi đã trở thành nỗi dằn vặt, trở thành vật cản trong cuộc đời của mình nên tôi không còn hứng thú sáng tác nhạc nữa”, nhạc sĩ Thanh Hoài thổ lộ. Tạm xa lánh âm nhạc, Thanh Hoài đã tìm đến chốn Thiền, lao vào nghiên cứu Phật học, niềm đam mê mà trước đây chị vẫn chưa có thời gian theo đuổi. Song song với việc tham gia học chương trình đào tạo từ xa về Phật học 4 năm, Thanh Hoài vào chùa làm mọi công việc của một tăng ni, từ dạy giáo lý Phật học cho một gia đình Phật tử đến biên tập và viết bài cho tờ Trí Tuệ (một tạp chí của nhà chùa) rồi tự thành lập tạp chí Hương Sen… 9 năm tham gia những công việc nơi chùa chiền đã mang lại cho chị một cảm giác thư thái trong tâm hồn, Phật giáo đã mang lại cho chị những hiểu biết về cuộc đời bằng những giáo lý thấm đẫm chất nhân văn.

Nhưng rồi, người ta vẫn nói “cái nợ trần” vẫn đeo đẳng, Thanh Hoài chưa thể dứt áo buôn xuôi âm nhạc khi “món nợ” ấy chưa được trả hết. Một “người mẹ” không thể vô trách nhiệm với hơn 300 “đứa con tinh thần”, “tôi phải nuôi dưỡng và lo cho những đứa con một cuộc sống chỉn chu. Năm 2005, chị đã thực hiện cuộc “trở về” với con thuyền âm nhạc, đĩa CD thu thanh với ca sĩ Trọng Tấn đã được hoàn thành. Và chuyến hồi hương lần này của Thanh Hoài đã mang ý nghĩa lớn lao, thể hiện sự tri ân với cố NSND Lê Dung, niềm tự hào của làng âm nhạc Việt Nam từ trước đến nay. Chị cũng hé lộ: “Năm 2009 chị sẽ cho ra mắt Album thứ 5 và hi vọng sẽ được trở về Việt Nam lần thứ 3”

Hai đêm 19 và 20 tháng 7 vừa qua, Thanh Hoài đã có buổi gặp gỡ với công chúng Sài Gòn, đã giới thiệu 10 tình khúc của mình tại phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết đã nhận sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu nhạc, điều mà chị chưa từng được trải nghiệm trong suốt 30 năm qua. Đêm ngày 25 tháng 7 tới đây, nhạc sĩ Thanh Hoài sẽ có buổi ra mắt 10 tình khúc (có trong đĩa CD đã từng được NSND Lê Dung thể hiện) và một số ca khúc mới của chị qua một số giọng ca trẻ như Tấn Minh, Hằng Nga, Phương Anh, Thúy An tại CLB âm nhạc Phú Quang 65C Trần Quốc Toản, Hà Nội. “Mong muốn lớn nhất của tôi là những tình khúc giản dị như lời tâm sự chân thành với góc nhìn đa chiều về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống thấm đẫm tính nhân văn và niềm lạc quan, hướng vọng sẽ được công chúng thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là dịp để giới thiệu đến khán giả một CD chưa từng được công bố của giọng ca “độc nhất vô nhị”, là niềm tự hào của người dân Việt Nam-NSND Lê Dung, như lời tri ân đến người phụ nữ “tài hoa nhưng bạc mệnh” này”, nhạc sĩ Thanh Hoài tâm sự./.

Nhạc sĩ Phú Quang: Nghe nhạc của Thanh Hoài tôi đã thấy một cá tính, một phong cách rất riêng, không hề trộn lẫn với bất cứ tác giả nào. Một  nét nhạc rền, quãng nhạc rộng có khả năng dẫn dắt người nghe đi từ giai điệu đầu đến khi kết thúc. Ca từ thì tuyệt vời, không khoa trương, sáo rỗng, rất giản dị, trong sáng, không gây cảm giác đau khổ dằn vặt trong mỗi tình khúc, nhưng cũng bắt người nghe phải “nhấn nhá từng câu, từng tư” để hiểu được ý vị của từng lời hát. Tôi tin rằng, khi thưởng thức xong đêm nhạc duy nhất này, khán giả sẽ nhớ đến một nữ nhạc sĩ Thanh Hoài với những dấu ấn riêng của người con gái xứ Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hoà

NỔI BẬT TRANG CHỦ