• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương

Thời sự 06/05/2022 07:52

(Tổ Quốc) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo sự liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương   - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII - Ảnh: VGP

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ cấp tỉnh xuống đến cơ sở.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, hiện nay dư luận vẫn có ý kiến cho rằng việc phòng chống tham nhũng mới làm mạnh ở cấp Trung ương còn cấp cơ sở có làm nhưng còn hạn chế, chưa mạnh mẽ dẫn đến để lọt nhiều vụ việc. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ra đời sẽ giải quyết vấn đề này.

"Vụ việc Việt Á cũng như một số vụ việc nổi cộm gần đây đều do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, nếu đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng ngay ở địa phương qua Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ vi phạm tương tự xảy ra.

Bên cạnh đó, ngoài phòng chống tham nhũng ở khu vực công thì việc phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, tạo sự đồng bộ", TS Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh một lần nữa thể hiện sự quyết liệt, làm đến nơi đến chốn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

"Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương hoạt động rất tốt rồi, nếu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả sẽ tạo sự liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, theo đúng tinh thần như Tổng Bí thư đã nói 'Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt'", ông Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương   - Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng vai trò của người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là rất quan trọng và là yếu tố sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

"Thực chất công cuộc chống tham nhũng cho thấy không ít cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đã vướng vào tham nhũng, tiêu cực như các vụ việc ở Bình Dương, Khánh Hoà, Đồng Nai… nếu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, tôi tin những vụ việc tương tự sẽ hạn chế đi", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Tiến Dĩnh, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, việc tăng cường đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện tham những, tiêu cực thông qua việc thành lập thêm cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có nhiều mặt rất tích cực.

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo cấp địa phương sẽ sâu sát, nhanh chóng nắm được tình hình, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực ngay tại địa phương để sớm có biện pháp xử lý. PGS.TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng đây là việc xây dựng thiết chế có tính chất phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng.

"Từ trước đến nay chỉ có một Ban Chỉ đạo cấp Trung ương về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nên khối lượng công việc nhiều, làm không xuể. Vì vậy, phải phân quyền, đồng thời phân trách nhiệm, giao quyền hạn nhất định ở cấp độ phù cho cấp tỉnh", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương   - Ảnh 3.

Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhất trí thông qua chương trình và nội dung kỳ họp - Ảnh minh họa: VGP

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, việc phân cấp này phải đảm bảo làm sao để khách quan, minh bạch, độc lập để hoạt động hiệu quả. Phải loại bỏ tính cục bộ, địa phương, ảnh hưởng của cấp tỉnh đến Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh đó.

Trong quá khứ không ít vụ việc khi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương yêu cầu địa phương làm rõ vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng địa phương khi họp lại hạ mức vi phạm xuống. Ở đây rõ ràng đã có sự cả nể lẫn nhau, cục bộ địa phương.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động, về mô hình, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh phải trực thuộc trực tiếp Ban Chỉ đạo cấp Trung ương chứ không thể nằm trong cấp ủy địa phương.

"Nếu Ban Chỉ đạo trực thuộc tỉnh thì rất khó xử lý, thành viên Ban Chỉ đạo biên chế thuộc tỉnh thì rất khó thẳng thắn để đấu tranh với Bí thư, Chủ tịch tỉnh đó", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nhận định.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương   - Ảnh 4.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển

Ủng hộ chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh, muốn phòng chống tham nhũng triệt để, cần phải đẩy mạnh những công cụ luật pháp đi kèm.

Đặc biệt, về Luật Phòng chống tham nhũng, liên quan đến các cơ chế về giám sát, kê khai tài sản của cán bộ công chức, dù đã có quy định nhưng việc thực hiện dường như chỉ mang tính chất nội bộ.

Theo PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, muốn làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, phải quyết liệt trong việc công khai minh bạch về tài sản, phải để nhân dân có điều kiện biết, có thông tin về tài sản của cán bộ để giám sát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhấn mạnh, phải kết hợp, không chỉ có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà cần phải có những quyết định, chỉ đạo thông qua các văn bản pháp luật.

"Cần có từ những văn bản dưới luật đến những văn bản của các tỉnh về thực hiện cơ chế công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức cũng như biến động về tài sản của cán bộ, công chức thì lúc đó sẽ có tính phát hiện và răn đe tốt hơn", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ