(Tổ Quốc) - Thông tin Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được thành lập vào ngày 8/11/2018 bỗng trở thành một sự kiện thu hút sự chú ý của công chúng, cùng những bàn luận mà không thể thiếu sự ngạc nhiên với tiếng cười đi kèm.
Nhiều người chú ý không phải vì việc một Hiệp hội mới được thành lập mà bởi… cái tên. Cái tên của Hiệp hội: Nhà vệ sinh khiến người ta liên tưởng đến nhiều chuyện mang tính riêng tư, tế nhị và rất ít khi được đề cập. Rằng nhà vệ sinh thì có gì to tát, có gì đáng bàn để phải có một Hiệp hội ra đời và can thiệp?.
Thế nhưng, câu chuyện nhà vệ sinh dù tế nhị nhưng lại rất cần thiết và là nhu cầu của mỗi người. Vì thế vấn đề nhà vệ sinh tưởng nhỏ và không nhỏ.
Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chính thức ra mắt. Ảnh: vietnamnet
Có lẽ phải những ai sống cảnh nhà tập thể mới thấm thía sự quan trọng của cái nhà vệ sinh. Cả một dãy nhà, thậm chí nhiều dãy nhà mới có một khu vệ sinh nằm riêng biệt, cách xa. Lý do vì nhà vệ sinh được cho là nơi "không sạch sẽ" nên phải cách xa nơi ở. Nhà vệ sinh thì ít nhưng ai cũng cần đến, dẫn tỉ lệ người dùng quá tải ở những khu tập thể. Khỏi phải nói cái thời đó, hàng ngàn câu chuyện hỉ, nộ, ái, ố cùng những bất tiện, khó chịu quanh cái nhà vệ sinh đã diễn ra và trở thành nỗi kinh sợ cho ai từng trải qua.
Ngay cả cho đến bây giờ, khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay cùng với sự văn minh hiện đại du nhập từ thế giới, nhưng chuyện nhà vệ sinh vẫn dường như chưa thể dứt cái điệp khúc khó chịu, khó coi. Nhà vệ sinh đã trở thành một công trình gắn với từng gia đình. Mỗi gia đình đã có riêng ít nhất một nhà vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, nhà vệ sinh công cộng vẫn cần thiết song lại chưa đáp ứng được. Một góc đường tàu, một góc tường tối tối, một gốc cây, pano trong công viên Thống nhất, một chỗ khuất ở ngay con đường gốm sứ Hà Nội… rất dễ để ngửi thấy thứ mùi đặc trưng mà chắc rằng chỉ thoáng qua ai cũng rùng mình, lắc đầu và muốn đi thật nhanh. Nhiều năm qua, những hình ảnh không đẹp này dù được lên án, chê trách nhưng vẫn diễn ra. Đấy là ngay tại Hà Nội, nơi người ta vẫn có thể tìm được nhà vệ sinh công cộng nhưng thói quen không muốn trả phí, tùy tiện, thiếu văn minh… còn vậy thì thử hỏi các nơi khác như thế nào?. Có chuyện từng kể rằng, đang đi đường vì quá buồn "đi vệ sinh" nhưng không thể tìm thấy nhà vệ sinh nên có người đã bấm bụng vào một quán ăn nào đó, cửa hàng nào đó để có lý do… đi nhờ vệ sinh – "giải quyết nỗi buồn" không thể nín nhịn. Thành ra mục đích đi vệ sinh là chính nhưng để thực hiện được giữa nơi thiếu thốn nhà vệ sinh người ta phải nương nhờ và bắc cầu bằng một lý do khác. Lúc đấy mới thấy thấm thía giá trị của nhà vệ sinh công cộng.
Logo nhận diện nhà vệ sinh dành cho khách du lịch tới công chúng. Ảnh: Đức Hoàng
Không ở đâu xa, thử nhìn ngành du lịch, ở các địa phương cũng phải tìm cách bố trí, xây dựng nhà vệ sinh công cộng để giữ chân khách du lịch. Nhiều địa phương đã vận động, phát động các doanh nghiệp, cá nhân xây nhà vệ sinh công cộng.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam, tại lễ phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm vào ngày 17/8/2018 tại Đà Nẵng đã đưa ra nhận định: Chúng ta đang ở trong thời điểm vàng của du lịch Việt Nam. Năm 2017, ngành du lịch đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016, khách du lịch nội địa là 73,2 triệu lượt khách, tăng 18,1% so với năm 2016… Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, mà trong đó việc thiếu nhà vệ sinh dành cho khách du lịch hoặc có nhà vệ sinh nhưng chưa đạt chuẩn là một thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của khách du lịch, làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.
Ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam nhiệm kỳ (2018-2020) trả lời báo chí về mục tiêu của Hiệp hội trong 5 năm tới cho biết sẽ cố gắng thúc đẩy tiến trình cải thiện chất lượng nhà vệ sinh, mục tiêu là 60% mật độ nhà vệ sinh ở các tỉnh phải được cải thiện chất lượng, miễn phí cho người dùng bằng cách vận động xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước để xây. Còn trước mắt, Hiệp hội sẽ thực hiện thí điểm 300 nhà vệ sinh thông minh tại 3 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương với kinh phí khoảng 450 tỉ đồng, sau đó sẽ mở rộng xây dựng các nhà vệ sinh thông minh tại các tỉnh, thành trên cả nước… là những việc làm rất thiết thực, đáng hoan nghênh và không đáng để cười nếu như Hiệp hội thực sự làm được.
Việc một Hiệp hội mới ra đời mang tên Nhà vệ sinh khiến nhiều người phải bật cười, dễ xuyên tạc vì họ chưa hiểu hoạt động của Hiệp hội, và nghĩ rằng cuộc sống có quá nhiều thứ to tát đáng bàn, đáng quan tâm hơn như công ăn việc làm, an toàn thực phẩm, giá cả leo thang, dịch vụ y tế có được cải thiện… Còn chuyện đi vệ sinh quá nhỏ nhặt, không có nhà vệ sinh thì bao lâu nay con người vẫn tìm được cách để … "giải quyết nỗi buồn" đấy thôi, có "chết ai" đâu, ngành đường sắt hàng bao năm nay tự hào chuyên chở hàng triệu lượt khách vẫn vô tư xả thẳng xuống đường đấy thôi.
Nhưng cười và coi thường nhà vệ sinh phải chăng là một nụ cười chua chát và đầy mỉa mai?. Vì điều này cho thấy, chúng ta đã đánh giá sai, đã xem nhẹ cái nhà vệ sinh. Và rằng chính chúng ta đang lạc hậu, cá nhân đang không tự giải quyết được một vấn đề thoạt nghe mang tính "bao đồng", tầm phào, tế nhị. Rồi thử nhìn xa hơn, có lẽ chuyện thành lập một Hiệp hội nhà vệ sinh quá hiếm hoi ở các nước trên thế giới. Bởi vì dễ hiểu thôi, các nước khác họ văn minh, họ thiết lập hệ thống vệ sinh công cộng đồng bộ, đầy đủ với quy hoạch nên đó là chuyện tế nhị và không đáng bàn.
Vì thế, giá như chúng ta văn minh được như họ, đầy đủ được như họ và không phải có những Hiệp hội Nhà vệ sinh thì xem chừng vẫn tốt hơn là thiếu thốn để phải có một Hiệp hội chuyên trách mang tên Nhà vệ sinh.