(Cinet)- Năm 2015 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di sản. Trao đổi và trò chuyện với phóng viên Cinet, Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã chia sẻ những công việc cụ thể đạt được và kế hoạch năm mới 2016.
![]() |
Thành nhà Hồ. Photo: Trịnh Quang Minh |
(Cinet)- Năm 2015 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di sản. Trao đổi và trò chuyện với phóng viên Cinet, Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã chia sẻ những công việc cụ thể đạt được và kế hoạch năm mới 2016.
PV: Năm 2015 là năm tỉnh Thanh Hoá đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề Kết nối các Di sản Thế giới. Ông có thể cho biết những công việc cụ thể về công tác quản lý di sản cũng như các hoạt động hưởng ứng sự kiện này của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ?
TS. Đỗ Quang Trọng: Năm 2015 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao theo kế hoạch và các hoạt động hưởng ứng sự kiện năm Du lịch quốc gia.
Về công tác quản lý di sản, Trung tâm đã tăng cường công tác quản lý đối với các khu vực lõi và vùng đệm theo hồ sơ đề cử; Phối hợp với chính quyền các cấp, nhất là cơ sở để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ di sản; Tham mưu xây dựng đề án “Quản lý, khai thác phát triển du lịch Thành Nhà Hồ” và đặc biệt là hoàn thành “Quy hoạch tổng thể Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch” được thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015.
Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu xây dựng đề án “Điều chỉnh, xây dựng, bổ sung Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ” và “Xây dựng hồ sơ bổ sung toàn bộ Di tích La thành để công nhận Di tích Quốc gia”; Tham mưu dự thảo “Quy chế phối hợp sử lý vi phạm xây dựng vùng lõi, vùng đệm Di sản Thành Nhà Hồ”; Tham mưu trình thẩm định dự án “Bổ sung nội thất nhà tưởng niệm, đón tiếp các vua Hồ tại Di tích Đàn tế Nam Giao - Thành Nhà Hồ”.
Hưởng ứng năm Du lịch quốc gia, Trung tâm đã tham dự triển lãm trưng bày “Kết nối các di sản thế giới” tại Ninh Bình nhân dịp Di tích danh thắng Tràng An đón bằng công nhận Di sản thiên nhiên và văn hoá thế giới; Tham dự, quảng bá Di sản Thành Nhà Hồ tại kỷ niệm 5 năm Di sản Hoàng thành Thăng Long; Phối hợp với Câu lạc bộ Di sản Thế giới và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức trưng bày “Khám phá Di sản Thế giới” tại Thành Nhà Hồ và 07 Khu di sản Thế giới tại Việt Nam (Tháng 2 đến tháng 10 năm 2015); Phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc và Hội Di sản và cổ vật Thanh Hoa tổ chức kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 11 với chủ đề “Kỷ niệm 613 năm Vương triều Hồ khai đàn tế giao (1402 - 2015)” tại Di tích Đàn tế Nam Giao và các lễ hội gắn với các Di tích phụ cận trong vùng Di sản, góp phần phục dựng văn hoá truyền thống phi vật thể của vùng Tây Đô xưa.
PV: Vậy đối với hoạt động nghiên cứu, bảo tồn của Trung tâm thì sao?
TS.Đỗ Quang Trọng: Về công tác nghiên cứu, bảo tồn, Trung tâm đã lập kế hoạch khảo sát các di tích trong vùng lõi và vùng đệm Thành Nhà Hồ; Thực hiện khai quật Hào thành theo Quyết định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sưu tầm bổ sung các tư liệu, hiện vật liên quan đến Di sản Thành Nhà Hồ. Bổ sung vào kho hiện vật 19 gạch bìa, 16 viên gạch bìa có in/khắc chữ Hán - Nôm, 30 lon sành, 50 mảnh lon sành niên đại thế kỷ 14 - 15, 500 hiện vật khai quật di tích Hào thành; Hoàn thành công tác lập lý lịch, hồ sơ hiện vật kho bảo quản: 243 hiện vật trong kho bảo quản hiện vật Thành Nhà Hồ; tiếp tục hoàn thiện công tác nghiên cứu, chỉnh lý hiện vật trong phòng sau giai đoạn xử lý tại kho, làm cơ sở phục vụ trưng bày. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản như: Bảo tồn các hố khai quật; vệ sinh tường thành, phát quang cây cối, bụi rậm trên tường và mặt thành; duy tu bảo dưỡng hàng rào bảo vệ Di tích.
PV: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm đã có kế hoạch cụ thể gì trong năm 2016, thưa ông?
TS.Đỗ Quang Trọng: Trong năm 2016, Trung tâm vẫn duy trì quản lý vùng lõi Di sản Thành Nhà Hồ với 3 bộ phận chính: La Thành, Hoàng Thành và Đàn tế Nam Giao; Quản lý, bảo vệ các di tích, các tài sản đã được bàn giao, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến di tích; Tiếp tục tham gia và tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác bảo vệ để tăng cường bảo vệ tại Di sản; Tham mưu thực hiện cam kết chiến lược của UBND tỉnh Thanh Hóa với Uỷ ban di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ, trong đó thực hiện công tác giải phóng vùng lõi Di sản theo quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức tham gia hội nghị thường niên lần thứ 40 của Uỷ ban Di sản Thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016.
Đối với công tác hợp tác, nghiên cứu, bảo tồn: Tham mưu thực hiện các dự án bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ theo giai đoạn 2016 - 2020 của Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch; Thực hiện dự án khai quật di chỉ khảo cổ khu vực núi Xuân Đài và khai quật tổng thể Di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2014 - 2020; Xây dựng và đề xuất các dự án của quỹ Di sản Thế giới nhằm tôn tạo, bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ; Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các khu di sản thế giới của Việt Nam và trên thế giới bằng việc tổ chức các đợt tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản; Tiếp tục phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội xây dựng các dự án, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, quỹ Di sản Thế giới, các tổ chức Phi chính phủ vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
CTV