Số phận của siêu dự án chưa từng có tiền lệ - xây dựng thành phố hai bên sông Hồng với số vốn đầu tư tạm tính lên tới 7,1 tỷ USD, tạo ra nơi cư trú của 318.180 người, tương đương dân số của 2 quận nội thành Hà Nội đang là mối quan tâm lớn không chỉ của người dân Thủ đô.
Số phận của siêu dự án chưa từng có tiền lệ - xây dựng thành phố hai bên sông Hồng với số vốn đầu tư tạm tính lên tới 7,1 tỷ USD, tạo ra nơi cư trú của 318.180 người, tương đương dân số của 2 quận nội thành Hà Nội đang là mối quan tâm lớn không chỉ của người dân Thủ đô.
Được khởi động từ năm 2006, tới nay, sau vô số hội nghị, hội thảo, triển lãm, gây ra nhiều tranh luận, phản biện khác nhau từ nhiều phía, dự án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội đã kết thúc giai đoạn I. Người dân Hà Nội và rất nhiều doanh nghiệp liên quan hiện nay đang rất muốn biết, dự án này có tiếp tục thực hiện hay sẽ trở thành dự án “treo” lớn nhất từ trước tới nay?
Dự án bất động sản khổng lồ
Các nhà quy hoạch chia 40km sông Hồng đoạn qua Hà Nội (trước khi mở rộng) thành 4 khu vực phát triển với không gian, cảnh quan kiến trúc và mục đích sử dụng đất riêng biệt. Đoạn thứ nhất bắt đầu từ ranh giới hành chính phía Bắc (khi sông Hồng chảy vào Hà Nội) tới cầu Thăng Long, đoạn hai từ cầu Thăng Long tới cầu Chương Dương, đoạn ba từ Chương Dương tới cầu Vĩnh Tuy và đoạn bốn là phần còn lại cho tới khi hết địa giới hành chính. Khác với những dự án bất động sản khác, siêu dự án thành phố sông Hồng sẽ có nhiều loại hình công viên được phát triển hai bên sông như khu bảo tồn sinh thái, công viên thể thao tổng hợp, công viên mở dành cho nhân dân, công viên sinh thái lịch sử...
Ngoài ra, để bảo tồn tính lịch sử của sông Hồng, sẽ hình thành đường tham quan ven sông, các sân khấu sông nước, lễ hội truyền thống...
Sau khi chỉnh trị, Thành phố sẽ phát triển đô thị trên 2.462ha đất mới phát sinh. Dự kiến, dự án sẽ cung cấp khoảng 97.000 căn hộ, thửa đất. Đồng thời, sẽ tạo ra những khu phân phối hàng đa chức năng, công trình công cộng, khu phức hợp quốc tế công nghệ cao (chứng khoán, tài chính...) và quỹ đất dự phòng cho các lễ hội và sự kiện thể thao quốc tế. Tổng quy mô dân số ước tính cho toàn khu vực là 342.180 người. T
uy nhiên, để có được quỹ nhà ở như trên, khối lượng công việc phải làm là rất lớn, bắt đầu từ việc chỉnh trị sông Hồng, cải tạo, gia cố hệ thống đê, bến cảng, hệ thống giao thông (cầu, đường đê, bến phà, đường chui), xây dựng công trình... Trong đó, sẽ có 4 cầu lớn vượt sông, 4 đường xe ngầm và 9 bãi đỗ xe công cộng... Theo phương án đề xuất, tổng số dân liên quan tới tái định cư của dự án khoảng 170.000 người. Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu để thực hiện dự án gần 7,1 tỷ USD bao gồm chi phí chỉnh trị sông, xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng...
7,1 tỷ USD là chưa đủ?
Nói về dự án quy hoạch cơ bản sông Hồng, ông Nguyễn Văn Sửu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án không thể dừng lại ở con số 7,1 tỷ USD vì “quy mô dự án rất đồ sộ”.
Cho rằng dự án phù hợp với định hướng quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch vùng Thủ đô cũng như những quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt, song ông Sửu vẫn băn khoăn về tính khả thi của dự án. “Số lượng di dân rất lớn, trên 170.000 dân, tương đương với dân số 1 quận của Hà Nội, chưa kể tính phức tạp của dân cư ngoài đê”, ông Sửu cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Phí Thái Bình nói: “Dự án rất cần phải triển khai. Song cân đối kinh tế để thực hiện dự án phải được xem lại. Quỹ đất dành ra tới gần 6.000ha thì số tiền 7,1 tỷ USD liệu có làm nổi không? Theo tôi là không nổi vì nhiều khu đô thị ở Hà Nội hiện nay chỉ rộng vài trăm hécta thôi đã tốn hàng tỷ USD”. C
ho rằng dự án hiện chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, có nguy cơ biến thành quy hoạch “treo”, ông Phí Thái Bình đề nghị: “Cần nhanh chóng thẩm định quy hoạch mới có thể tiến hành các bước tiếp theo”.
Giải tỏa những thắc mắc của dư luận về lộ trình thực hiện siêu dự án thành phố sông Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án. T
heo đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Thành phố triển khai các công việc cần thiết để quy hoạch cơ bản sớm được phê duyệt. Hà Nội đề nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định quy hoạch cơ bản. Đồng thời, Hà Nội đề xuất Thủ tướng đặt vấn đề chính thức với Chính phủ Hàn Quốc đề nghị chính quyền thành phố Seoul hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật cho dự án để sớm hoàn thành và phê duyệt dự án theo cam kết đã ký giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Thị trưởng Seoul (Hàn Quốc). Khẳng định tính cấp bách của dự án và mong muốn “sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống”, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị Thủ tướng chấp thuận lộ trình giai đoạn II của dự án lập quy hoạch cơ bản sông Hồng.
Tăng tốc giai đoạn II
Trong một diễn biến mới nhất, Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất chủ trương cho phép thành phố tiếp tục hợp tác với thành phố Seoul triển khai giai đoạn II của dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội. Theo đó, dù Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, nhưng phạm vi nghiên cứu của dự án vẫn như giai đoạn I, chỉ nằm trong 40km đoạn qua Hà Nội trước khi hợp nhất.
“Việc quy hoạch toàn bộ tuyến sông Đà - sông Hồng tiếp giáp và chảy qua Hà Nội với chiều dài 180km sẽ được giải quyết trong một dự án khác”, ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết.Về vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay - lộ trình thực hiện tiếp theo của dự án, ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ thảo luận và ký thỏa thuận chính thức với thành phố Seoul về tiếp tục hợp tác sau khi lập quy hoạch cơ bản để thực hiện giai đoạn II của dự án. Giai đoạn này sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện quy hoạch để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt với sự tham gia đóng góp tài chính của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thành phố cũng sẽ tổ chức báo cáo, lấy ý kiến các bộ ngành chức năng, các hội nghề nghiệp, cơ quan liên quan về dự án và tiến hành thí nghiệm để có thêm cơ sở khẳng định phương án thoát lũ sông Hồng đảm bảo an toàn. Cũng trong giai đoạn II, sau khi báo cáo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, quy hoạch sông Hồng sẽ được hoàn chỉnh và trình Hội đồng thẩm định quốc gia.
Sau khi tiếp thu, điều chỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, quy hoạch sông Hồng sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua (nếu các quy định hiện hành yêu cầu). Thành phố đề xuất Thủ tướng phê duyệt về nguyên tắc những nội dung chính của quy hoạch, đồng thời ủy quyền cho bộ chuyên ngành và Hà Nội phê duyệt nội dung cụ thể. Cuối cùng, kết thúc giai đoạn II, Thành phố sẽ công bố công khai quy hoạch sau khi được duyệt theo quy định./.
(Theo Doanh nhân)