• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh tra việc mua sắm thiết bị y tế, kit test tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM: Báo cáo Chính phủ vào tháng 5/2022

Thời sự 25/04/2022 16:24

(Tổ Quốc) - Sáng 25/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Thanh tra việc mua sắm thiết bị y tế, kit test tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM: Báo cáo Chính phủ vào tháng 5/2022 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Bước đầu phát hiện một số sai phạm mua sắm thiết bị y tế, kit test tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch.

Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Lê Sỹ Bảy cho biết, bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit test, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022.

Bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy bàn Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, công tác phân cấp quản lý tài sản công tiếp tục có chuyển biến, tuy nhiên tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Vẫn còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí NSNN.

“Còn xảy ra vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân” – Phó Chủ nhiệm Ủy bàn Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.

Phải thẳng thắn, rõ địa chỉ

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra phải thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới.

Dẫn số liệu tiết kiệm chi hơn 70.000 tỷ đồng trong năm qua của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần nêu rõ, chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng.

"Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các báo cáo phải thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục, tránh nói chung chung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, nhìn chung các bộ ngành, địa phương thực hiện khá nghiêm túc, quyết liệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho xây dựng và phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, UBTVQH để có các giải pháp chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp cũng như huy động sự chung tay của nhân dân, các thành phần kinh tế để phòng, chống dịch./.

Năm 2021, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP. Bên cạnh đó, kết quả trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ