(Tổ Quốc) - Truyền thông và các chuyên gia kinh tế thế giới đã dành nhiều nhận định tích cực cho tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, cũng như tương lai trong năm 2018.
Kinh tế Việt Nam đã một năm 2017 đầy thành công, nhưng điều này không đồng nghĩa với một 2018 dễ dàng, không bóng thách thức.
Thành tựu nổi bật trong năm 2017
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik của Nga, Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn đông của Viện Hàn lâm khoa học Nga đánh giá, kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ổn định. Theo ông, các chỉ số về kinh tế là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
“Tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% đạt mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một thành tựu quan trọng là môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện,” ông Mazyrin nói, đồng thời đề cập đến con số 33 tỷ USD vốn đầu tư mà Việt Nam thu hút được trong năm 2017.
Năm qua cũng chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục của ngoại thương Việt Nam. Bloomberg chỉ ra, bất chấp viễn cảnh có phần u ám hồi đầu năm, trước những đe dọa thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xuất khẩu Việt Nam vẫn “bùng nổ”. “Chúng ta đang chứng kiến Việt Nam trưởng thành trong thập kỷ này, nhanh chóng chuyển đổi trở thành một thế lực sản xuất”, Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế từ Tập đoàn ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore nhận định.
Tờ Asian Correspondent phân tích, không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện còn được xếp thứ hai (sau Ấn Độ) trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với các lợi thế như chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trưởng xuất khẩu; dân số trẻ tiếp tục tăng nhanh; vị trí địa lý phù hợp phát triển thương mại đường biển; chi phí vận hành tương đối thấp và lao động rẻ… - Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể kể ra một số vụ đầu tư nước ngoài đáng chú ý trong năm 2017 như khoản “gia tăng đầu tư” trị giá 2,5 tỷ USD của Samsung Display; tập đoàn Đài Loan Polytex Far Eastern đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 490 triệu USD… Dusty Daugherty, chuyên gia cấp cao của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại TP Hồ Chí Minh nhận định: “Trong khi rất nhiều sự chú ý dành cho các tên tuổi lớn, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các nhà đầu tư đến từ các công ty đa quốc gia nhỏ - tiếp tục tăng cao”.
Một điểm sáng khác của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua chính là sự phát triển của du lịch. Trang tin Mayo Advertiser đánh giá, ngành du lịch là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Theo trang này, các điểm du lịch độc đáo như Vịnh Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng… đã khiến Việt Nam trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo cho các kỳ nghỉ trăng mật.
Kinh tế Việt Nam có nhiều thành tựu trong năm 2017. |
Thành tựu đến từ sự lãnh đạo đúng đắn
Giáo sư Mazyrin nhấn mạnh, những thành tựu kinh tế xuất sắc của Việt Nam trong năm qua là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn của các nhà lãnh đạo đất nước. Ông khẳng định, nếu không có sự quản lý và chính sách hiệu quả của Nhà nước, Việt Nam không thể đạt được những kết quả kinh tế ấn tượng như vậy.
Còn tạp chí La Tribune của Pháp ca ngợi Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất khu vực. La Tribune cho rằng, tiến trình cổ phần hóa là một trong những yếu tố duy trì mức tăng trưởng cao của Việt Nam trong những năm qua.
Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cũng đăng tải về việc chính phủ Việt Nam “mạnh tay” xử lý các vụ trọng án tham nhũng trong năm 2017. Bloomberg đưa tin, nạn tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội, và Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng.
Tương tự, tạp chí Forbes đánh giá cao việc Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều doanh nghiệp, để họ không “phá hỏng phép lạ của kinh tế Việt Nam”, cũng như cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Sẵn sàng cho những thách thức trong năm 2018
Tạm đặt sang một bên những thành tựu xuất sắc trong năm qua, năm 2018, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo giáo sư Mazyrin, những lợi thế hiện tại như nguồn lao động trẻ và chi phí lao động thấp… không thể duy trì mãi mãi. Việt Nam cần phải chuyển sang mô hình kinh tế sáng tạo, tăng năng suất lao động và hiện đại hóa nông nghiệp…
Còn tạp chí Asia Times chỉ ra, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đầy đủ và phát triển chậm chạp sẽ là một trở ngại lớn cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, kể từ năm 2030, Việt Nam cần phải có 480 tỷ USD mới có thể đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt và sân bay mới. Điều này sẽ dẫn đến những rủi ro cho chính phủ Việt Nam trước khoản vay vốn khổng lồ phục vụ cho các mục tiêu trên.
Ở các khía cạnh khác, những tồn tại trong giáo dục, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số… tại Việt Nam cũng được Bloomberg, The Economist và The Diplomat nhắc đến, và coi đó là những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán trong năm 2018, kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%. Nói về làn sóng đầu tư gia tăng, chuyên gia Dustin Daugherty khẳng định: “Tôi nghĩ năm sau sẽ tốt hoặc thậm chí là tốt hơn nữa. Việt Nam vẫn chưa đạt tới đỉnh của tỷ lệ tăng trưởng”.